Trường xây dở dang, trẻ phải học nhờ nhà kho hợp tác xã
- Thứ năm - 29/09/2016 22:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án trường mầm non xã Xuân Thiện được khởi công tháng 7/2010, chủ đầu tư là UBND xã. Theo thiết kế, ngôi trường gồm khu nhà hai tầng với 6 phòng học được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 1.400 m2. Tổng vốn đầu tư ban đầu 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, theo đề án chống xuống cấp trường lớp học của UBND tỉnh Ninh Bình.
Trường mầm non Xuân Thiện được xây dựng dở dang rồi bỏ hoang 6 năm qua. Ảnh: Phương Vy. |
Sau khoảng 4 tháng, đơn vị thi công xây dựng được phần thô tầng một với số tiền ước tính 1,5 tỷ đồng rồi ngừng hẳn vì thiếu vốn.
Việc xây dựng dở dang rồi bỏ hoang lâu ngày khiến cỏ dại mọc um tùm xung quanh công trình. Các bức tường bị rêu mốc phủ kín. Gia súc của người dân chăn thả tự do trong khu vực khiến công trình từng là niềm hy vọng của giáo viên, học sinh trong xã biến thành nhà hoang.
Theo đại diện chủ đầu tư, trong lộ trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008- 2012, Xuân Thiện thuộc diện được hỗ trợ xây dựng trường mới do có 6 phòng học mầm non (ngôi trường cũ) xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, chủ đầu tư không có kinh phí nên phụ thuộc toàn bộ vào ngân sách của tỉnh.
“Từ tháng 11/2010, đơn vị thi công ngừng hẳn do không được quyết toán. Đến nay họ cũng chưa nhận được đồng kinh phí nào”, ông Lê Kim Long, Chủ tịch xã Xuân Thiện nói.
Người dân sống gần trường tận dụng các phòng làm nơi nhốt trâu, bò. Ảnh: Phương Vy. |
Trường học cũ đã phá bỏ để bàn giao mặt bằng trong khi trường mới dở dang khiến giáo viên, học sinh trong xã gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học.
Cô Đinh Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có bảy nhóm lớp với tổng số 162 trẻ. Trong đó năm nhóm lớp học tập trung tại trụ sở xã và hai nhóm lớp học ở khu lẻ, học tạm trong nhà kho.
Năm 2010, sau khi phá các phòng học cũ, UBND xã Xuân Thiện phải nhượng lại nơi làm việc là một dãy nhà cấp 4 cho trường. “Dãy nhà vốn là kho của hợp tác xã nông nghiệp cũ nên chật, xuống cấp. Chúng tôi phải bỏ kinh phí cải tạo thành năm phòng học cho các cháu. Với phòng khoảng 10m2 thì sử dụng cho 25-30 bé nhà trẻ còn phòng 30 m2 thì tận dụng cho 40 bé nhóm lớp mẫu giáo”, cô Thu nói.
Cô cho hay, có thời điểm 45 cháu mẫu giáo 5 tuổi phải chen chúc trong căn phòng 30 m2. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nóng nực các cháu không có chỗ ngồi. Nhà trường buộc phải cải tạo thêm phòng hội trường của xã để tách lớp.
Việc các lớp mầm non học sát nơi làm việc của xã cũng làm cho cả hai phía gặp khó khăn. “Các cháu không được hát và vui chơi quá ồn ào, còn xã phải hạn chế sử dụng loa đài khi họp hành để tạo điều kiện cho con em”, nữ hiệu trưởng nói.
Từ năm 2014, chính quyền xã chuyển sang trụ sở mới làm việc, dãy nhà cấp bốn còn lại được bàn giao nốt cho nhà trường sử dụng làm phòng hiệu bộ, phòng hội đồng và cải tạo thêm nhà kho làm bếp nấu ăn bán trú cho các cháu.
Không có trường, giáo viên và các bé phải học nhờ nhà kho hợp tác xã nông nghiệp cũ. Mỗi phòng khoảng 10 m2 là lớp học cho 25-30 trẻ. Ảnh: Phương Vy. |
Dù biết nhà trường gặp khó khăn trong công tác dạy và học, nhưng đại diện chủ đầu tư vẫn chưa biết đến bao giờ mới có thể tái khởi động dự án. “Xuân Thiện là xã khó khăn nhất của huyện Kim Sơn, tổng thu ngân sách địa phương mỗi năm đạt khoảng 180 triệu đồng, quỹ đất lại không còn để đấu giá nên nếu không có hỗ trợ sẽ không thể hoàn thiện trường mầm non”, ông Long cho biết thêm.
Cũng theo ông Long, hiện tại tổng số vốn đầu tư của công trình được đội lên khoảng 7 tỷ đồng. Nếu tính cả kinh phí xây dựng phòng hiệu bộ và các phòng chức năng thì con số này phải gần 10 tỷ nên càng khó hơn. “Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri và kỳ họp HĐND tỉnh cũng như có văn bản gửi huyện Kim Sơn, nhưng chưa có kết quả”, Chủ tịch xã Xuân Thiện nói.
Phương Vy