Trong giây phút cận kề “cửa tử”, người cha hiến một phần cơ thể để giữ lại sự sống cho con
- Thứ hai - 03/04/2017 14:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quyết định cân não
Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công ca ghép gan từ người hiến sống. Bệnh nhân được ghép gan là Dương Thị Phương M. (15 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và người cho là bố ruột của em, anh Dương Văn Tiến (39 tuổi).
GS Trần Bình Giang – GĐ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Việc ghép gan đã thường quy, nhưng đây là một trường hợp rất đặc biệt. Bệnh nhân sống lại được là cả một kỳ tích bởi một loạt những khó khăn. Thậm chí có thời điểm bệnh nhân đã chết mười mươi rồi, nhưng cuối cùng vẫn được cứu sống nhờ ghép tạng”.
Trước khi ghép gan của người nhận đã bị hỏng hoàn toàn.
Bệnh nhân M. bị suy gan mạn tính, trước đó đã chuyển nhiều bệnh viện để cứu chữa, nhưng tất cả đều bó tay. Theo nhận định của các bác sĩ, chỉ có ghép gan thì bệnh nhân mới còn cơ hội sống.
Khi vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu bệnh nhân đã hôn mê gan, kèm theo rối loạn đông máu, nên gia đình bệnh nhân đã quyết định xin con về. Phía bệnh viện lúc đó cũng đã ký giấy, chuẩn bị xe cho bệnh nhân về do tình trạng quá nguy kịch, sự sống và cái chết quá mong manh.
“Nhưng cuối cùng, với một quyết định cân não “còn nước còn tát”, may mắn xét nghiệm gan của bố hòa hợp, các bác sĩ đã quyết định ghép gan cho bệnh nhân dù cô gái đang trong tình trạng thập tử nhất sinh”, GS Giang chia sẻ.
Bệnh nhân M. đã ổn định sau gần 1 tuần ghép gan.
Những phút giây định mệnh
GS Giang cho biết, sau khi gia đình quyết định sẽ hiến gan bố để cứu con gái, các bác sĩ đã chuẩn bị mọi thứ để tiến hành ca ghép, nhưng bất ngờ lại xảy ra và giờ phút quan trọng nhất. “Do bệnh nhân có chỉ định ghép tối cấp, nên mọi thứ từ trang thiết bị, thuốc men và cả con người phải chuẩn bị rất chu đáo và tốn kém.
Nhưng 8 giờ sáng ngày 29/3, mọi thứ đã chuẩn bị xong thì gia đình lại thay đổi quyết định không ghép nữa. Khi đó, không gì có thể lột tả được sự ê chề của các bác sĩ. Mọi thiết bị đã được rút ra khỏi cơ thể bệnh nhân, kíp phẫu thuật cũng đi ra ngoài phòng mổ”, GS Nguyễn Quốc Kinh – GĐ Trung tâm Gây mê – Hồi sức (BV Việt Đức) chia sẻ.
Bệnh nhân đã được chuẩn bị mọi thứ thì gia đình quyết định hủy cho gan.
Được biết, gia đình đưa ra quyết định này là vì, bố của bệnh nhân M. là lao động chính trong gia đình, sau khi hiến gan, gia đình lo sợ anh Tiến không còn đủ sức khỏe để lao động, trong khi vợ và 2 con nhỏ ở nhà cũng ốm đau, bệnh tật triền miên.
Ngay sau khi ra đình đưa ra quyết định vào thời khắc “nhạy cảm” ấy, một lần nữa lãnh đạo bệnh viện, đơn vị tài trợ cho ca ghép đã ngồi lại với gia đình phân tích mọi mặt. Gần 11 giờ ngày 29/3, sau 3 tiếng thuyết phục, gia đình một lần nữa đồng ý ghép gan cho bệnh nhân M.
“Khi đó, chúng tôi lại vận hành lại mọi thứ, tuy nhiên với kinh nghiệm và sự chuẩn bị trước đó, nên công tác chuẩn bị diễn ra rất nhanh chóng và thuận lợi. Đúng 11 giờ (ngày 29/3) kíp phẫu thuật mở bụng lấy gan người hiến (lấy 60% gan). 12 giờ cùng ngày, tiến hành mở bụng người nhận gan và bắt đầu hiến. Ca ghép được tiến hành trong 10 giờ đồng hồ”, TS Nguyễn Quang Nghĩa – GĐ Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) chia sẻ.
Ca ghép khó nhất
Tính đến thời điểm hiện tại, cả người hiến gan và người nhận gan sức khỏe và chỉ số sinh tồn đều ổn định. Thậm chí, người hiến gan còn có thể trò chuyện, liên tục đòi ăn sau ghép. Theo nhận định của các bác sĩ đây là sự thành công ngoài mong đợi.
Hiện cả người cho và người nhận đã ổn định, chỉ số sinh tồn tốt.
Tuy nhiên, để có được thành công đó, đội ngũ các bác sĩ ghép tạng đã phải trải qua những giây phút khó khăn nhất. Nói như GS Nguyễn Quốc Kính, thì đây là ca ghép gan khó nhất trong số những ca đã từng thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức.
“Trong số 36 ca ghép gan từng thực hiện tại BV Việt Đức, có những ca ghép cho bệnh nhân 76 tuổi, nhưng cũng không khó khăn bằng ca ghép này. Vì ngay bản thân gia đình lúc đồng ý ghép, lúc không cũng gây nên không ít chướng ngại trong việc chuẩn bị ghép.
Không chỉ có vậy, trước mổ bệnh nhân phù phổi cấp, suy thở, hôn mê gan phải đặt nội khí quản. Hệ thống mạch máu của bệnh nhân qua nhiều bệnh viện đã được sử dụng hết, không còn chỗ nào để chọc. Nếu chọc chảy máu không cầm được bệnh nhân sẽ chết. Thậm chí, các bác sĩ còn rất lo lắng sau mổ bệnh nhân không tỉnh lại… Nhưng rồi, mọi thứ cũng đã diễn ra suôn sẻ và một bệnh nhân nữa đã được cứu sống nhờ ghép gan”, GS Kính cho hay.