Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Trổ cửa đón oxy cho trung tâm hành chính Đà Nẵng?

Một số người cho hay trước khi xây dựng tòa nhà này họ đã từng lên tiếng phản đối.

Thông tin trung tâm hành chính (TTHC) 2.000 tỉ đồng “thiếu oxy”, có thể di dời sau ba năm đưa vào sử dụng, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Oxy trong tòa nhà “chập chờn”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Quỳnh (Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cho hay khi xây dựng thì đều có tính toán các phương án cấp khí tươi cho tòa nhà. Việc vận hành khí tươi bơm vào tòa nhà là hoàn toàn tự động và do ban quản lý tòa nhà điều khiển.

“Thực tế là có lúc thiếu oxy nhưng không phải lúc nào cũng thiếu. Sự việc không có gì đáng nghiêm trọng, chỉ ảnh hưởng rất nhỏ. Công chức, viên chức vẫn làm việc trong tòa nhà bình thường” - ông Quỳnh nói.

Để khắc phục tình trạng “chập chờn” khí tươi nói trên, ông Quỳnh cho biết hiện UBND TP Đà Nẵng đang giao cho Sở Xây dựng và ban quản lý tòa nhà cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tính toán phương án trổ cửa sổ để lấy khí trời.

Cũng vấn đề trên, ông Thái Bá Cảnh (Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng) cho biết trong năm nay chưa có báo cáo nào về việc thiếu khí tươi trong tòa nhà TTHC. “Tuy nhiên, năm 2015 thì có hiện tượng trên nhưng TP đã chỉ đạo khắc phục xong” - ông Cảnh cho biết.

Về việc di dời TTHC, ông Cảnh nói: “Đó chỉ mới là nghiên cứu thô, chứ chưa có đề án để phân tích cụ thể về những thuận lợi, khó khăn. Chưa có đánh giá tổng quát. Thành ủy cũng chỉ mới đề cập để nghiên cứu thôi nên chưa thể nói lên được điều gì” - ông Cảnh nói.

Cũng theo ông Thái Bá Cảnh, khi thiết kế các đơn vị đều đã có tính toán phương án cung cấp khí cho tòa nhà. So với các tòa nhà trên thế giới thì tòa nhà của Đà Nẵng “ăn thua gì”. “Tôi đang làm việc tại tầng 22 của tòa nhà và vẫn thấy bình thường” - ông Cảnh nói.

 

Người dân đến thực hiện các giao dịch tại tòa nhà TTHC TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI 

 

Tòa nhà TTHC TP Đà Nẵng hình trái bắp (trái). Ảnh: LÊ PHI

Đã từng có ý kiến phản đối

Một cựu lãnh đạo TP khi trao đổi về tòa nhà TTHC cho biết khi bàn phương án xây tòa nhà TTHC, ông và một số người đã có ý kiến phản đối thiết kế như hiện hành. Tuy nhiên, lãnh đạo TP khi đó vẫn kiên quyết xây dựng và chọn phương án “trái bắp”.

“Lúc ấy, TP cũng đề ra phương án bán các trụ sở của các sở, ban ngành để lấy thêm nguồn kinh phí bù vào xây dựng tòa nhà TTHC. Nhưng hiện nay việc này chưa thuận lợi như tính toán. Giờ không những không thu tiền được từ việc bán các công sở này mà TP lại phải chi thêm tiền cải tạo, xây dựng để đưa thêm một số cơ quan vào nữa” - vị này nói.

Cũng theo vị nguyên lãnh đạo, việc di dời TTHC đến chỗ mới là chuyện không hề dễ dàng, bởi hiện tại tòa nhà TTHC vẫn chưa thanh quyết toán, kiểm toán chưa xong...

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cũng cho hay ông đã từng phản đối việc xây dựng tòa nhà TTHC khi TP lấy ý kiến chuyên gia. “Tôi và một số người khác cho rằng nó không phù hợp, không tạo ra sự uy nghiêm của một cơ quan công quyền. Nếu gặp sự cố cháy nổ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Có thể nói rằng không ở đâu xây dựng TTHC như Đà Nẵng đã làm. Việc bố trí khu hành chính tập trung phải đảm bảo có không gian, tiện lợi cho người dân đến làm việc nhưng tòa nhà này không đáp ứng được” - ông Huy nói.

Phục vụ dân đâu chỉ phải nằm ở hoành tráng

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP, cho rằng trong cải cách hành chính có việc hiện đại hóa công sở nhưng không đồng nghĩa với việc phải xây nhà cao to, hoành tráng. Công sở là để phục vụ tốt hơn, thuận lợi hơn những nhu cầu của nhân dân. TTHC tập trung là để phục vụ nhân dân tốt hơn, để dân không phải đi lại nhiều mà chỉ cần giao dịch một chỗ.

“Tuy nhiên, việc xây dựng trụ sở to cao, nhiều tiền như thế thì có hiệu quả hay không? Hiệu quả trong việc xây dựng tòa nhà được đo bằng kết quả cộng với chi phí. Nếu kết quả anh làm được thấp mà chi phí cao quá thì nền hành chính công cũng không đạt được mục tiêu. Như vậy, tòa nhà TTHC của TP là 2.000 tỉ đồng thì hiệu quả nó có tương xứng, hiệu quả?”. Ông Ngữ đặt vấn đề như thế và cho rằng: “Bây giờ TP đặt ra ý định di dời TTHC thì phải thảo luận nhiều. Không đơn giản muốn là làm được vì phải cân nhắc đến tính hiệu quả, hiệu lực” - ông Ngữ nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số viên chức của các sở, ngành cho hay thực tế tòa nhà TTHC không nóng, tuy nhiên có việc thiếu khí tươi và đôi lúc gây mệt mỏi. “Có thể do người ta bơm khí tươi không đảm bảo công suất, khối lượng hoặc không có sự điều chỉnh cho phù hợp trong từng thời điểm nên dẫn đến sự việc trên. Còn nắng nóng thì không có, vì cả tòa nhà có hệ thống máy lạnh” - một viên chức nói.

Bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng) cho hay chưa ai đưa ra đánh giá nào về tòa nhà TTHC thiếu oxy hết. “Có thể trong môi trường làm việc ở độ cao nên nó ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của một số người. Ngành y tế cũng chưa nhận được văn bản nào đề cập đến việc thiếu oxy, không dễ chi để đánh giá được việc thiếu oxy hay không” - bà Yến nói.

Nhưng bà Yến thừa nhận khi hoạt động, làm việc trong một tòa nhà có độ cao lớn thì dĩ nhiên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến vấn đề sức khỏe.

__________________________________

Tòa nhà TTHC TP Đà Nẵng được khởi công vào năm 2008, do Văn phòng UBND TP làm chủ đầu tư; tòa nhà do Mooyoung Architects & Engineers (Hàn Quốc) thiết kế; Công ty Apave Việt Nam và Đông Nam Á tư vấn…

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây