Tin tức 24h nổi bật: Hà Nội thưởng Tết Nguyên Đán cao nhất bao nhiêu?
- Thứ sáu - 30/12/2016 06:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hà Nội thưởng Tết Nguyên Đán cao nhất bao nhiêu?
Ngày 30.12, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội đã có báo cáo về tình hình thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo đó, doanh nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu cao nhất trong số các đơn vị đã báo cáo nằm trong khối FDI với 205 triệu đồng.
Mức thưởng thấp nhất là 550.000 đồng. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp trong nhóm này là 3,8 triệu đồng mỗi người, chỉ tăng 1% so với năm trước.
Hà Nội có mức thưởng Tết cao nhất 205 triệu đồng (ảnh mịnh họa)
Đối với khối Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, doanh nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 30 triệu đồng một người, đơn vị có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng một người.
Ở khối doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn Nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất là 30 triệu đồng một người và thấp nhất là 550.000 đồng một người.
Đối với khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất năm nay là 27,5 triệu đồng một người và thấp nhất 500.000 đồng một người.
So với Tết năm ngoái, mức thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn bình quân tăng khoảng 2,1 %.
Học sinh lớp 4 bị cô giáo cho 43 bạn cùng lớp tát vào mặt
Mới đây, 1 clip có tên giáo viên trường Ninh Sở, Hà Nội cho 43 bạn cùng lớp tát vào mặt học sinh khiến dân mạng bức xúc.
Theo nội dung chia sẻ, PV của VTV9 đã về phỏng vấn em học sinh này và được em kể lại việc bị cô giáo cho các bạn tát vào mặt như thế nào.
"Cháu tên là Đ.T.L., học lớp 4 trường tiểu học Ninh Sở, Hà Nội. Cháu đi học hay bị các bạn trêu, đi cạnh các bạn hay chửi cháu.
Có 1 lần cô giáo cho các bạn đánh vào mặt cháu. Bọn cháu cãi nhau xong, bạn lớp trưởng bảo cô giáo là cháu chửi bạn ấy nên cô giáo cho 43 bạn lên tát cháu".
Cũng theo em học sinh này, cách đây 2 tháng T.L.. cũng bị cô cho 43 bạn trong lớp tát vào mặt: "Hai bạn trong lớp trêu nhưng bạn lớp trưởng mách cô là cháu. chửi bậy nên cô cho các bạn đánh".
T.L. cho biết, hiện tại cháu đau mặt và ù tai, cháu sợ cô và các bạn đánh nên muốn nghỉ học ở nhà.
Chúng tôi đã liên lạc với nhà trường, cô Trần Thị Cậy, hiệu trưởng trường tiểu học Ninh Sở xác nhận vụ việc xảy ra tại trường vào ngày 26/12.
Bị đồng nghiệp tạt nồi thịt đang sôi vào người vì không chịu móc cống
Chị Trần Thị Kim Trúc (47 tuổi) cho biết khoảng tháng 8/2016, chị từ quê nhà Đồng Tháp lên TP. HCM xin vào quán cơm trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) phụ bếp. Hằng ngày, chị Trúc chăm chỉ làm lụng, không mâu thuẫn với bất kì ai ở trong quán với hi vọng kiếm đồng tiền phụ giúp gia đình đang khó khăn ở quê nhà.
“Khoảng 22h ngày 4/12, khi quán cơm bán xong thì tổ chức dọn dẹp. Bà Hường nấu bếp làm trước tôi một năm mới nói, “Trúc, mày móc cống nước đang bị nghẹt đi, nếu không được thì nghỉ việc về quê đi!".
“Tôi bảo chị làm gì có quyền đuổi việc tôi, chị cũng chỉ làm thuê. Cống nước nghẹt thường xuyên, tôi móc nhiều lần nên tay đang bị nhiễm trùng rồi, sợ tiếp xúc với nước bẩn sẽ bị nhiễm trùng nặng", chị Trúc kể.
Chị Trúc đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM
Sau khi nói vậy, chị Trúc ngồi xuống rửa chén thì bất ngờ thấy nóng rát từ phía sau lưng, quay lại thấy bà Hường đã tạt nguyên nồi thịt kho đang sôi trên bếp vào mình . Chị Trúc đứng lên thì bị bà Hường tạt thêm phần nước còn lại vào mặt, ngực…
Chị Trúc ngồi bệt xuống đất khóc lóc vì quá bỏng rát, mọi người mới chạy lại động viên nhanh đi tắm rửa kẻo nặng, riêng bà Hường bỏ trốn ngay thời điểm đó đến nay đã gần 1 tháng.
Bến xe Mỹ Đình “vỡ trận”, hàng nghìn người không tìm được đường về quê dịp Tết dương
Sáng ngày 30/12, hàng trăm tuyến xe khách thuộc các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... dù xuất bến nhưng không bắt khách. Được biết hành động trên của các nhà xe nhằm phản đối quyết định phần luồng, đổi tuyến của phía thành phố Hà Nội.
Trước tình trạng trên, hàng nghìn hành khách “khóc dở, mếu dở” vì đây đúng vào dịp người dân về quê nghỉ Tết Dương lịch 2017.
Bác Hoàng Văn Bảo (56 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết bác ra bến xe từ 7h30 đến 10 giờ chưa bắt được xe, xe chạy không nhưng nhà xe không bắt khách. “Giờ tôi không biết phải làm thế nào, hẹn mọi người công việc ở quê rồi, đành bắt xe ôm ra bến xe nước ngầm về vậy”, bác Bảo buồn bã nói.
Về phía nhà xe, rất nhiều người phản đối quyết định phân luồng xe khách của thành phố Hà Nội. Chủ một doanh nghiệp về vận tải xe khách lớn nhất tỉnh Ninh Bình cho biết: “Tôi là một trong số những nhà xe chạy đầu tiên từ khi bến xe Mỹ Đình thành lập. Đến giờ có quyết định này, chúng tôi sẽ là người phá sản đầu tiên”.
Nhiều người vẫn ngồi chờ đợi, trong đó không ít người đã phải di chuyển sang bến xe khác hoặc tìm phương tiên khác.
Theo nữ chủ doanh nghiệp này, công ty chị vừa mua 12 chiếc xe vận tải với giá trị hơn 1 tỷ/1 chiếc. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc không thay đổi thì chị không biết lấy nguồn đâu để trả lãi ngân hàng chứ chưa nói gì đến việc trả gốc.
Về phía bế xe Mỹ Đình, trao đổi với chúng tôi sáng 30/12, Giám đốc Nguyễn Như Trúc xác nhận hàng loạt nhà xe từ chối không chở khách. Đồng thời cho biết, đã đã báo cáo lên Sở GTVT Hà Nội và đang cùng các cơ quan chức năng giải quyết.
Ông Trúc thông tin trong ngày hôm nay bến sẽ huy động khoảng 100 xe để phục vụ hành khách, giải quyết “nóng” việc các nhà xe không phục vụ khách.
Trước đó, ngày 22/12, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản thông báo về việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô tại Hà Nội. Việc sắp xếp, điều chuyển sẽ bắt đầu thực hiện từ 2/1/2017.