Tiếng gọi "Mẹ ơi, Cha ơi" của cô bé "Sọ dừa" sau 10 năm đấu tranh trở lại cuộc sống
- Thứ hai - 08/05/2017 00:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi ánh nắng dần tắt, chúng tôi tìm đến đường Hòang Hưng thuộc P. An Lạc A, Q. Bình Tân, TP.HCM – nơi ngụ cư của gia đình bé gái bại não sống thực vật suốt 10 năm trời.
Tới cuối con hẻm, một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi dắt chiếc xe máy vào đúng số nhà chúng tôi đang kiếm. Chú hỏi dò tìm ai và cười thông báo: “Chú là Bảo Tài, cha ruột bé gái chúng cháu cần gặp đây”.
Bước vào căn phòng trọ, chúng tôi thấy con gái chú Tài đang lết từng bước đi đến chiếc bàn lấy bảng tính và tập viết, cây bút. Biết nhà có khách, cô bé quay lại chào hỏi – những câu nói không rõ lời.
- Con chào cô!
- Chào con! Con tên gì?
- Con tên là Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Năm nay, con 11 tuổi.
- Con đang làm gì vậy?
- Con lấy bảng làm phép tính và ghép những con số với nhau.
Tuyền đưa đôi bàn tay run run chỉ vào hộp giấy trên bàn và hướng ánh mắt về phía mẹ. “Cách đây 1 năm, tôi có mơ cũng không dám nghĩ cháu có thể ngồi dậy, học nói và làm phép tính toán”, cô Nguyễn Bích Thủy (46 tuổi) tâm sự.
Cô bé “Sọ dừa” hiện đại
11 năm trước, khi cô Thủy mang bầu, cả nhà ai nấy đều vui mừng. Tháng ngày, chú Tài háo hức, chờ đợi giây phút đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Ngờ đâu, khi sinh ra, đứa trẻ chỉ nặng 950gam, phải nuôi trong lồng kính 4 tháng.
Con nằm viện nhưng không tiến triển, họ quyết định khăn gói trốn viện về Cần Thơ vì tiền hết, sức cạn. Chú Tài kể: “Vợ chồng tôi cứng tuổi mới có con nên bằng mọi giá phải cứu sống cháu. Tuy nhiên, con bé nằm viện chừng ấy thời gian đã khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, trong nhà không còn một đồng tiền lẻ. Tôi đành đứt ruột trốn viện đưa con về nhà.
7 tháng sau, vợ chồng tôi vay mượn họ hàng, làng xóm chút tiền đem con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận con bé bị bại não hệ thần kinh số 9, có nguy cơ sống tật nguyền suốt đời”.
Đối diện với cú sốc lớn, cô Thủy đã ngục ngã ngay tại phòng khám. Lúc ấy, người đàn ông trụ cột trong gia đình đã vực cô dậy và động viên con có bệnh thì chữa, chữa đến bao giờ khỏi thì thôi.
Dù bại não nhưng kỳ lạ bé Tuyền có thể nhận thức được mọi thứ xung quanh. Khi ba mẹ nói gì, em hiểu và ngoan ngoãn nghe lời. Do đó, họ bớt nỗi đau đi phần nào.
Về Cần Thơ, vợ chồng chú Tài tiếp tục mưu sinh, cố gắng kiếm tiền chữa bệnh cho cô con gái bại não bẩm sinh. Hàng ngày, chú chạy xe ôm, còn cô Thủy bán vé số dạo quanh thành phố. Bao tiền kiếm được, họ chắt chiu dành dụm đưa con lên Sài Gòn trị bệnh.
“Để đi làm, tôi phải gửi cháu cho bà dì cạnh nhà 70 tuổi trông giùm. Nhiều bữa qua đón, thấy con nằm bất động mà lòng tôi lại quặn đau, tủi thân. Vợ chồng tôi ăn ở tốt cớ sao ông trời lỡ hành con tôi cực khổ, không đi không nói được…”, cô Thủy xót xa.
Tiếng gọi "Mẹ ơi!" và những bước đi đầu tiên
Tháng nào cũng vậy, vợ chồng chú Tài chạy xe gắn máy chở bé Tuyền từ quê lên BV Nhi đồng 2 khám bệnh, truyền thuốc. Họ không dám đi xe khách vì sợ gánh thêm chi phí. “Hàng tháng, chúng tôi phải đưa con bé lên BV truyền thuốc, kiểm tra sức khỏe một lần. Mỗi chuyến đi hết khoảng 6-7 triệu đồng, giờ nằm xe đò tốn kém thêm gần triệu nên không đành!
Chúng tôi chấp nhận chịu khổ, để dư số tiền lần sau cho con. Thậm chí, tôi chạy xe gần 300 cây số cũng không dám nghỉ uống cốc nước, trưa thì gọi suất cơm 15 nghìn 2 người cùng ăn”, chú Tài trải lòng.
Miệt mài đưa con đi viện chữa bệnh, vợ chồng chú Tài từng nhiều lần muốn buông xuôi, chấp nhận để cô con gái “độc nhất” sống cuộc đời thực vật. Tuy nhiên, nhìn con nằm im trong góc nhà, họ không cam tâm. Vậy là, hành trình chiến đấu với bệnh tật lại tiếp tục với ước vọng cô con gái nhỏ có thể ngồi dậy, chập chững đi, cất tiếng gọi cha mẹ như chàng Sọ dừa trong truyện cổ tích.
Hơn 2 năm trước, chú Tài nghe người ta mách châm cứu có thể giúp chân tay bé Tuyền cử động. Vì vậy, chú quyết định chuyển lên Sài Gòn thuê trọ tiết kiệm chi phí, thời gian đưa con đi viện kết hợp châm cứu.
Ban đầu, họ thuê căn phòng dưới tầng trệt nhưng 2 tháng sau phải lấy phòng trên tầng 3 với giá rẻ hơn. Cực nhất là những lúc cô Thủy cõng Tuyền xuống nhà đi châm cứu hoặc đến trường học dành cho trẻ tàn tật.
Lên Sài Gòn, chú Tài không có nghề nghiệp nên đi khắp nơi xin làm phụ hồ. Mỗi ngày, người đàn ông đã 2 thứ tóc kiếm được khoảng 200 nghìn đồng nhưng việc có thất thường. “Tôi lo lắm, giờ vợ chồng còn sức khỏe còn chạy chữa được cho con. Khi già yếu, không biết ai sẽ lo cho nó”, chú Tài nói.
Thương xót cảnh vợ chồng nghèo chạy chữa cho cô con gái bại não, bé Thanh Tuyền đã được cấy ghép tế bào gốc miễn phí tại bệnh viện Vimec (Hà Nội). Sau 3 lần cấy ghép, em đã có những tiến bộ rõ rệt.
Từ một đứa trẻ sống thực vật 10 năm, Thanh Tuyền đã ngồi dậy, đi lại, học nói và học cách tự chăm sóc bản thân mình. Khoảnh khắc cô bé tật nguyền cất tiếng gọi “Mẹ ơi! Cha ơi!” đã khiến cô Thủy không cầm nổi nước mắt. Có lẽ, tiếng gọi dẫu muộn màng nhưng là niềm hạnh phúc, động lực lớn để họ tiếp tục chiến đấu cùng con trong chặng đường tiếp theo.
Ước mơ trở thành bác sĩ và hát nhạc bolero cả đời
Trong lúc ba mẹ tiếp chuyện với chúng tôi, bé Thanh Tuyền nằm gọn vào lòng cô Thủy. Thi thoảng, em lại ưỡn người hôn lên má mẹ. Nụ hôn ngọt ngào, chất chứa bao tình cảm của một bé bại não mới “hồi sinh” dành cho người mẹ vĩ đại.
Mới đây, bé Tuyền vừa trải qua ca cấy ghép lần 3, rút 2 chiếc xương đùi. Cô Thủy tâm sự: “Đợt tháng 2 ra Hà Nội, thời tiết thay đổi nên cháu bệnh hoài. Khi tiến hành phẫu thuật, cháu được gây mê nên không có cảm giác đau đớn. Thuốc tan, cháu kêu với tôi con đau và nhức không chịu nổi mẹ ạ! Con sẽ không làm phẫu thuật nữa đâu. Ôm con tôi động viên cháu cố gắng để có thể đi lại bình thường, rất may cháu đã rất kiên cường”.
Nhắc đến ước mơ khi lớn lên, bé Tuyền thích thú: “Con ước được trở thành bác sĩ và hát nhạc bolero cả đời. Ba con nhiều bệnh, phải đi viện chích thuốc nhưng mãi không khỏi. Con còn thích hát nhạc bolero và ước được gặp thần tượng là cô Phi Nhung”.
Vừa dứt lời, Thanh Tuyền liền cất giọng hát bài Duyên Phận. Dù lời không sõi nhưng từng nốt nhạc em đều hát chuẩn. Cô Thủy cho hay, tất cả các bài hát bolero, Tuyền đều thuộc lời và hát không bao giờ sai nhạc.
Tháng 9 tới đây, bé Thanh Tuyền sẽ ra Hà Nội cấy ghép tế bào lần cuối trong liệu trình chữa bệnh. Mong rằng, sau ca phẫu thuật, cô bé bại não có thể đi những bước dài về phía tương lai và chạm tay tới giấc mơ.