Thu phí quốc lộ 5: Doanh nghiệp không thu thì nhà nước cũng thu?
- Thứ tư - 06/09/2017 12:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án thí điểm, cơ chế đặc thù
Năm 2002, Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), khi đó Ban Quản lý dự án Biển Đông thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đại diện chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau 5 năm khởi động dự án vẫn không tìm được nguồn vốn để triển khai. Năm 2007 Quốc lộ 5 đã quá tải, vì vậy Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - một định chế tài chính phát triển của Nhà nước huy động vốn để cho vay và triển khai Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VDB góp vốn để thành lập Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) và giao làm chủ đầu tư dự án. Vidifi khẳng định: Dự án thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, không vì mục tiêu lợi nhuận, không làm BOT để lấy lãi như các dự án BOT thông thường khác, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm yêu cầu bảo toàn vốn của Nhà nước.
Với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án giao thông trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Đã có khoảng 43.000 hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ cho dự án.
Theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nhà nước phải đứng ra GPMB và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng do chưa có vốn, nên 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được Vidifi “ứng” trước. Sau đó, được Nhà nước cam kết hỗ trợ một số chính sách đặc thù cho dự án.
Tổng mức đầu tư tăng “đột biến”?
Năm 2007, Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được duyệt với tổng mức đầu tư (TMĐT) là 24.566 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2014 TMĐT dự án đã được chủ đầu tư điều chỉnh lên thành 44.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), tăng hơn 20.000 tỷ đồng.
Giải thích về nguyên nhân Dự án bị tăng TMĐT, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Vidifi - nêu 2 nguyên nhân chính là do thay đổi thiết kế cơ sở và do trượt giá.
Theo Chủ tịch HĐQT Vifidi, giá trị xây lắp con đường thực chất là gần 30.000 tỷ đồng, nhưng TMĐT là 44.500 tỷ đồng bởi trong số này đã bao gồm tiền lãi phải trả trong thời gian xây dựng gần 8.000 tỷ, GPMB 4.000 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng khoảng 3.200 tỷ đồng.
Ông Chiến cho biết, việc điều chỉnh tăng TMĐT của dự án đã được chấp thuận về mặt chủ trương. Cụ thể: Ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1621về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho chủ đầu tư được điều chỉnh TMĐT trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá, nguyên vật liệu, chế độ chính sách và do các nguyên nhân khách quan khác làm chi phí lớn hơn TMĐT được duyệt. Vidifi được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT.
Về suất đầu tư của dự án là 10,6 triệu USD/km/4 làn xe được cho là quá cao, ông Chiến khẳng định: Suất đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ tương đương với các dự án khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đã được Bộ Xây dựng, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo thường trực Quốc hội và thường trực Chính phủ.
Vì sao thu phí quốc lộ 5?
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành ngày 5/12/2015, đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quyết toán các gói thầu. Theo đó, thời gian thu phí (cả đường cao tốc và quốc lộ 5) là 28 năm 8 tháng 27 ngày, sau đó sẽ bàn giao cả 2 đường cho Nhà nước.
Trước khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn (mức thu từ năm 2003).
Theo chủ trương của Chính phủ, năm 2009 Bộ GTVT bàn giao nguyên trạng 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 được giao cho Vidifi thu phí và coi đây là một chính sách đặc thù, là 1 khoản vốn góp của Nhà nước vào Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Việc thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến các tài xế bất bình.
Theo Quyết định số 1621 của Thủ tướng, Vidifi được quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 từ khi Bộ GTVT bàn giao cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mức thu theo quy định của Bộ Tài chính.
Đại diện Vidifi "than": Sau 2 năm đưa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào khai thác, bình quân số tiền phí thu được là 5,5 tỷ đồng/ngày (gồm cả đường cao tốc và quốc lộ 5), trong khi tiền lãi phải trả là 8 tỷ đồng/ngày. “Nhà nước cam kết hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách 23% TMĐT, trong đó có 4.000 tỷ đồng tiền GPMB, nhưng sau 8 năm do khó khăn về ngân sách, Nhà nước vẫn chưa thực hiện được” - ông Chiến nói.
Theo Chủ tịch Vidifi, nếu ngân sách Nhà nước không góp thêm thì vẫn phải tiếp tục thu phí quốc lộ 5 theo Hợp đồng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ký với Vidifi từ năm 2008 (trước khi Quỹ bảo trì đường bộ được thành lập từ năm 2011) mới thu hồi được vốn đầu tư cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Chiến khẳng định việc Vidifi thu phí trên quốc lộ 5 thực chất là phần vốn góp của Nhà nước vào dự án chứ không phải là thu phí BOT. Nếu không giao cho Vidifi thu thì Nhà nước sẽ thu phí quốc lộ 5 và lấy tiền đó góp cùng Vidifi làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Được biết Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Vidifi phải quản lý, sửa chữa quốc lộ 5 trong giai đoạn 2018 - 2020.
Châu Như Quỳnh