Tết Mậu Thân 1968: Ôm bộc phá mở đường máu tiến sâu vào Tân Sơn Nhất
- Thứ năm - 27/07/2017 09:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Đồ đây!”
Những lần gặp mặt, anh em Đại đội 2 – Tiểu đoàn 16 – Phân khu 2 còn sống vẫn nhớ như in tiếng thét cuối cùng của anh Phan Văn Đồ khi ôm bộc phá lao thẳng vào lô cốt địch. Mọi người đang căng mình chiến đấu, né tránh làn đạn dày đặc của địch từ trong lô cốt bắn ra thì nghe tiếng thét “Đồ đây!” xen lẫn tiếng súng vang vọng trong đêm rồi thấy lô cốt địch nổ ầm, cột khói bốc lên cao, đất đá bị thổi tung lên trời.
Vậy là lô cốt đầu cầu bị xóa xổ! Thi hài anh cũng không còn gì…
Mỗi lần người Đại đội trưởng Đại đội 2 Trần Văn Trắc kể lại đoạn này, vài chục anh em Tiểu đoàn 16 còn sống sót đều ngậm ngùi rơi nước mắt mà lòng hừng hực cháy ngọn lửa tự hào vì mình từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng những người anh hùng như Phan Văn Đồ.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó trung đội đại liên – Tiểu đoàn 16 kể: “Sau khi có lệnh nổ súng, anh em đặc công Tiểu đoàn 12 tháo dỡ 21 hàng rào kẽm gai bao quanh sân bay để dẫn đường cho 2 đại đội của Tiểu đoàn 16 đánh sâu vào sân bay rất thuận lợi. Nhưng khi vừa qua khỏi hàng rào thì ta gặp phải sự chống trả quyết liệt của lính Mỹ bắn ra từ lô cốt đầu cầu. Hỏa lực địch rất mạnh, bắn rát nên nhiều chiến sĩ hy sinh mà không thể vượt qua”.
Trung tá Bùi Hồng Hà – nguyên chiến sĩ Đại đội cối A82 - kể: “Lúc đến đây, đại đội cối chúng tôi chỉ còn 20 quả đạn mang theo tấn công vào sân bay. Đến giờ nổ súng thì chúng tôi phải điều sang cho đơn vị bạn (tiểu đoàn 267) mượn mất 10 quả. Vì sân bay quá rộng và chưa xác định được mục tiêu nên phải dùng 2 quả bắn lấy điểm. Sau đó thì bắn cấp tập 8 quả còn lại để phá mục tiêu. Vì hết đạn nên phải chôn pháo”.
Chính vì thiếu hỏa lực mạnh nên khi Tiểu đoàn 16 đánh vào sân bay gặp phải sự kháng cự quyết liệt ở lô cốt đầu cầu mà hầu như bất lực, tưởng chừng như không thể vượt qua. Chính lúc ấy, tiếng thét “Đồ đây!” của anh Đồ vang lên trong đêm đen, rồi tiếng bộc phá nổ vang trời, ánh lửa pháo sáng lòa lên, bụi đất lô cốt bị thổi tung lên trời rơi lả tả…
Lô cốt đầu cầu bị tiêu diệt, 1 tiểu đội lính Mỹ kháng cự trong lô cốt nhanh chóng bị diệt sạch. 2 đại đội của Tiểu đoàn 16 vượt qua được cổng sân bay, chia thành 2 cánh quân đánh sâu vào sân bay chiến lược của địch và phá hủy nhiều công sự, khí tài.
Sự hy sinh của anh Đồ đã đánh đổi được 1 cơ hội tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất cho Tiểu đoàn 16, gây nên tổn thất lớn cho quân địch và góp phần vào thành công của chiến dịch Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968.
Người chiến sĩ ôm bộc phá nổ cùng lô cốt địch
Anh hùng có tên mà không rõ tung tích
Năm 1971, Tiểu đoàn 16 – Phân khu 2 giải tán, sáp nhập với đơn vị khác để thành lập phiên hiệu mới. Những chiến sĩ quả cảm năm ấy, sau ngày thống nhất đất nước cũng tứ tán muôn phương, nhiều người giải ngũ, mỗi người kiếm lấy 1 nghề để mưu sinh.
Mãi đến những năm gần đây, khi đã đến tuổi hưu, không còn lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc mới có điều kiện liên lạc, tụ tập với nhau. Vậy là, những người còn sống mới hùn hạp nhau vào để đi tìm tung tích của đồng đội cũ đã mất, thu thập tư liệu, chứng cứ để xin truy tặng cho đồng đội đã ngã xuống.
Nhờ nỗ lực của các cựu chiến binh này, năm 2013, tiểu đoàn 16 đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Cũng năm đó, chính trị viên của Tiểu đoàn 16 đã hy sinh trong trận đánh Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân là liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu cũng được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Hiện cựu chiến binh Vũ Chí Thành và các đồng đội của ông đã thu thập xong tài liệu, chứng cứ chứng minh thành tích của đồng đội Nguyễn Công Mẹo, nguyên mẫu của hình tượng người chiến sĩ chết trong tư thế đứng thẳng người, ôm súng chĩa về hướng địch, trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân.
Ông Thành hy vọng trong 1, 2 năm nữa sẽ xin truy tặng được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo.
Còn trường hợp của anh Đồ, rất may là trong 2 đại đội đánh sâu vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn 6, 7 người thuộc Đại đội 2 được Đại đội trưởng Trần Văn Trắc dẫn đường rút lui, còn sống sót về tới đơn vị, nên câu chuyện của anh Đồ mới được kể lại cho mọi người cùng nghe. 1 số chiến sĩ bị thương, bị địch bắt và giam tại nhà tù Phú Quốc sau này được giao trả về cũng kể lại câu chuyện như vậy.
Tuy nhiên, điều khó khăn là năm 1967, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304B thuộc Quân khu 3 mới từ Bắc vượt Trường Sơn vào Nam. Khi đó, tiểu đoàn được biên chế lại thành Tiểu đoàn 16 đóng tại Tây Ninh, anh Đồ là cư dân địa phương tham gia tiểu đoàn thời gian này và chỉ là chiến sĩ bình thường nên không quen biết nhiều anh em. Do đó, nhiều chiến sĩ nghe tên anh lúc bộc phá nổ vang nhưng cũng không rõ tung tích, địa chỉ gia đình anh.
Mãi đến vài năm gần đây, trong những lần gặp mặt hiếm hoi của anh em cựu chiến binh Tiểu đoàn 16, cựu chiến binh Vũ Chí Thành lân la dò hỏi, ráp nối tư liệu mới biết anh Đồ gia nhập Tiểu đoàn 16 từ cuối năm 1967, nguyên quán ở Châu Thành, Tây Ninh.
Ông Thành chia sẻ: “Anh Đồ thì anh em mới biết tung tích đây thôi, việc tìm kiếm tư liệu về anh còn gian nan lắm. Tôi tính đến cuối năm rỗi rãi công việc lại tụ hợp vài anh em về địa phương tìm kiếm thân nhân gia đình anh Đồ. Phải đi xác nhận thành tích, tìm về thân bằng quyến thuộc để xác minh lý lịch gia đình có vấn đề gì không. Rồi anh em phải làm hồ sơ đi xin các nơi đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng cho anh ấy. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng hỗ trợ anh em chúng tôi làm việc này, vì Tiểu đoàn 16 hiện không còn phiên hiệu nữa. Nếu không, chắc còn lâu lắm…”.
Trăn trở của người ở lại vì chưa xin truy tặng được danh hiệu anh hùng cho đồng đội đã hy sinh
Bài: Tùng Nguyên - Quốc Anh
Ảnh & Clip: Phạm Nguyễn