Rừng phòng hộ ven biển bị xói lở nghiêm trọng
- Chủ nhật - 28/08/2016 15:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh trước kia là cả một vùng nuôi trồng thủy sản rộng lớn dưới tán rừng phòng hộ, nhưng giờ đây biển đã cuốn trôi tất cả diện tích rừng phòng hộ và sạt lở đến tận chân đê quốc phòng. Hàng chục hộ dân phải nhiều lần di chuyển nhà cửa, thậm chí phải tha hương vì không có đất để sinh sống, nuôi trồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân địa phương than thở: "Tôi sống ở đây trên 30 năm rồi. Hồi trước bãi này chưa bị lở, gia đình tôi sống được, giờ bãi lở quá rồi nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống".
Theo những người dân sinh sống tại đây, chỉ trong một thời gian ngắn, xâm thực biển đã cuốn trôi hàng trăm hecta nuôi trồng thủy sản gần bờ và tuyến rừng phòng hộ, tương đương khoảng 60% diện tích ban đầu biến mất. Sạt lở đã vào đến tận chân đê, khiến hàng chục ngôi nhà của người nông dân ven biển sống trên tuyến đê Quốc phòng bị cuốn trôi theo dòng nước.
Còn tại ấp Mười Biển, xã Thuận Hoà, huyện An Minh, sóng biển mỗi ngày ăn sâu vào đất rừng nhiều hơn. Với diễn biến phức tạp này, diện tích bãi bồi, diện tích rừng ven biển ngày nào ở Kiên Giang giờ đây bị sóng biển gây sạt lở nghiêm trọng, làm mất khoảng 200 ha rừng. Vùng sạt lở có nơi ăn sâu từ vài trăm mét đến gần 1 km.
Tại huyện Kiên Lương, tình trạng xói lở nhiều nhất là khu vực hai xã Dương Hòa và Bình An. Nhiều nơi bờ biển bị xâm thực sâu đến hàng chục mét, có chỗ bị xói lở vào tận mép đường giao thông nông thôn, nứt tường nhà dân.
Bà Trần Mỹ Hương, ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa, nói: "Mùa gió Nam này sóng lớn đánh lên tới nhà tôi. Lo sạt lở, nhà sập đè chết cả nhà nên tôi bàn với các con gom tiền làm bờ kè quanh nhà, chứ với sóng lớn như thế này thì chẳng mấy chốc căng nhà sẽ bị cuốn trôi ra biển".
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Ong Văn Lình, địa phương đã có báo cáo lên cơ quan chức năng huyện và tỉnh. Mới đây, một đoàn khảo sát do Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì đã xuống khảo sát toàn bộ các khu vực bị xói lở của huyện Kiên Lương, hy vọng sẽ sớm có giải pháp khắc phục, bảo vệ an toàn bờ biển, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
Về những giải pháp sắp tới, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng, để đầu tư hoàn thiện hệ thống cống và đê biển, Kiên Giang cần khoảng 2.700 tỷ đồng. Dự án đã được phê duyệt nhưng đang thiếu vốn.
Tuy nhiên, trước tinh hình sạt lở ven biển diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, Kiên Giang đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương sớm quan tâm bố trí vốn xây dựng hệ thống đê biển vững chắc cũng như hệ thống kè chống sạt lở ở khu vực rừng phòng hộ để gây bồi, tạo bãi đảm bảo sinh kế cho người dân và đảm bảo đê quốc phòng trong thời gian tới.
Tình trạng nước biển dâng gây xói lở, ảnh hưởng đến các công trình dân sinh và nhà cửa của người dân vẫn đang diễn ra từng ngày. Do vậy, người dân rất cần các ngành chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn xói lở, tạo bồi, giúp người dân địa phương an tâm lao động, sản xuất ổn định đời sống.
Nguyễn Hành