Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Rơi nước mắt người mẹ muốn 6 con ăn một bữa no rồi cùng nhau chết bằng thuốc độc

Rơi nước mắt người mẹ muốn 6 con ăn một bữa no rồi cùng nhau chết bằng thuốc độc
Nhìn những đứa con đang chơi đùa ngoài sân và ngẫm lại hoàn cảnh của mình, bà Lực nghĩ rất nhiều về lời chồng dặn dò, đó là cho các con uống thuốc ngủ để bớt đi gánh nặng cho người ở lại.

Nghẹn đắng lời di chúc của chồng

Lấy nhau từ năm 1959, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Lực (79 tuổi, ở khu 3, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) có với nhau được 9 người con. Tưởng chừng với đàn con ấy, sau này hai ông bà sẽ được “hưởng thụ” lúc về già, nhưng cuộc sống không giống như bà suy nghĩ.

Trong số 9 người con của hai vợ chồng bà, có đến 6 người con mắc bệnh tâm thần, thậm chí người con trai út tên Toản (SN 1982) bị nặng tới mức phải buộc chân bằng dây thừng ở gốc cây, vì sợ con đi mất.

Ngoài 6 người con mắc bệnh, bà Lực còn có 3 người con bình thường đã lập gia đình ở xa nhưng họ đều rất nghèo, làm ruộng chẳng đủ ăn nên không giúp đỡ được mẹ.

 

Sợ con đi lang thang, người mẹ già phải buộc chân con bằng dây thừng ở gốc cây quanh nhà.

 

Nhưng chỉ khoảng 1 tiếng, sợi dây ấy đã xoắn tít vào nhau và bà phải ra gỡ.

Những người còn lại, dù không nặng tới mức phải buộc dây, nhưng thường xuyên có hành động đập phá đồ đạc, đặc biệt là những khi không vừa lòng về việc gì đó.

Bà Lực kể, những người con bị “đờ đẫn” của bà khi sinh ra ai cũng xinh đẹp, trắng trẻo. Nhưng không hiểu sao càng lớn lại càng có vấn đề về thần kinh. Chính điều đó khiến cho vợ chồng bà lao tâm, khổ tứ, nhất là thời điểm chồng bà Lực ốm và qua đời năm 1993.

“Khi ấy, nhà tôi bị bệnh tim, ốm đau triền miên. Biết mình không qua khỏi, ông ấy “góp” sẵn hơn 100 viên thuốc ngủ để trong tủ và trước lúc ra đi có dặn dò lại vợ là hãy cho những người con mắc bệnh uống để đi cùng ông ấy.

Nghe lời dặn dò đó, ruột gan tôi như đứt ra từng khúc, tôi ậm ừ nhưng từ đó đến bây giờ vẫn chưa đủ can đảm để thực hiện”, bà Lực nói.

 

Người con gái sinh năm 1976 của bà Lực khi nhỏ học rất giỏi nhưng càng lớn càng sinh bệnh.

Sau khi chồng bà Lực qua đời, cùng thời điểm đó, vùng quê nghèo Phụ Khánh mất mùa nghiêm trọng, bà đi vay từng bát gạo về cho con ăn mà không được. Đã thế kẻ gian còn bắt trộm sạch hết gà, chó trong nhà.

“Lúc đó, nhìn các con đói nheo nhóc, đói khổ tôi nghĩ đúng là sống không bằng chết, tôi đã có ý định thực hiện lời di chúc của chồng”, bà Lực nói.

Nghĩ là vậy, nhưng lương tâm bà không cho phép và bà cố gắng gượng làm lụng lấy củ khoai, củ sắn cho các con ăn qua ngày. Từ đó đến nay cũng đã 23 năm trôi qua.

 

Những người con của bà có lớn mà chẳng có khôn.

Nhưng giờ đây, khi sức lực cùng kiệt, bà không thể vừa chăm sóc các con, vừa lo kiếm tiền để kiếm từng bữa cơm được nữa.

Khi đó, những suy nghĩ về lời di chúc mà chồng dặn trước lúc đi xa lại hiện hiện về trong trí nhớ của người mẹ già 79 tuổi này.

“Hay là tôi sẽ thực hiện theo như lời dặn dò của chồng trước lúc ra đi. Nhưng nếu làm vậy, nhất định tôi sẽ cho các con "đánh chén" một bữa thật no nê để sang kiếp sau, chúng được ăn sung, mặc sướng”. Nói xong câu đó, bà đứng phắt dậy khỏi bàn, bước đi rất nhanh ra phía người con bị buộc dây thừng, như để giấu đi giọt nước mắt đang chảy lưng tròng.

 

Bà Lực đau đáu suy nghĩ về các con khi mình khuất núi.

Đợi cho những dòng cảm xúc lắng xuống, chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện với bà. Như một hướng đi cho tương lai những đứa con của bà, chúng tôi hỏi: Sao bà không mang các con đi gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội hay viện tâm thần?

Nghe câu nói này, ánh mắt bà chợt lóe lên nhưng tia hy vọng, nhưng rồi tay thì cởi dây buộc chân cho con, miệng thì nói với những nỗi niềm trắc ẩn: “Tôi cũng đã nghĩ và tìm hiểu rồi, đến mình là mẹ đẻ mà khi chăm sóc còn thấy khổ như vậy, gửi vào nhà thương điên ai nuôi? Mà tiền đâu mà gửi chúng đi cơ chứ?”.

 

Hàng ngày bà phải chăm bẵm cho các con từng li, từng tý một.

Nói xong câu đó, bà quay về gian bếp lụp xụp, chuẩn bị bữa cơm chiều và một lần nữa nhắc lại di chúc của chồng: “Có lẽ tôi để chúng nó đi cùng tôi. Sang thế giới bên kia vợ chồng tôi sẽ cùng chăm các con. Như vậy, đỡ khổ cả hai bề”.

Bữa cơm rơi nước mắt

Mọi câu chuyện về những dự định tương lai tạm dừng lại ở đó, chúng tôi theo bà đi chuẩn bị bữa cơm chiều.

Chỉ với một nồi cơm gang và một ấm nước to là đã xong thực phẩm chính cho bữa ăn của cả đại gia đình. Còn các món phụ kèm theo, chỉ là một đĩa rau ngải cứu luộc và vài con cá mắm mặn còn thừa từ bữa trưa.

 

Bữa chính của gia đình bà Lực chỉ có mỳ tôm và cơm trắng.

Chúng tôi có thắc mắc thì bà nói: “Tôi không phải thấy các anh ở đây mà giả nghèo, giả khổ. Ngày nào cũng vậy thôi, có gì tôi cho các con ăn nấy. Mà mấy con cá mắm kia cũng là của người làng mang cho. Tôi cũng không muốn cho chúng nó ăn, vì ăn mặn uống nước nhiều, lại đái dầm thì khổ tôi giặt đồ lắm”.

Một bữa cơm cho 6 người ăn, bà chuẩn bị chỉ trong vòng 40 phút. Tắm giặt cho các con xong, bà Lực vào hô hoán tất cả ngồi vào đúng vị trí. Khi mâm cơm được đưa lên, chúng tôi không cầm được nước mắt.

 

Đau xót khi nhìn những đứa con bà Lực ăn cơm trong cảnh bị trói chân.

Bữa ăn chính của một gia đình, cho những người trưởng thành mà chỉ có cơm trắng, ăn kèm mỳ tôm. Đắng chát hơn, bữa cơm ấy người thì bị buộc chân vào cột nhà, người thì ngồi bệt luôn xuống đất, còn người con gái sinh năm 1976 của bà Lực lại chỉ thích ra “đám bạn” là những con mèo để “nịnh” nhau ăn.

Trong bữa ăn ấy, bà Lực như một người đạo diễn và trọng tài chính. Bà liên tục giục các con: “Quyền, ăn nhanh lên con. Toản không ăn là gọi Cường (một người mà anh Toàn rất sợ) xuống nhé…”.

 

Bà Lực vừa là đạo diễn, vừa là trọng tài trong bữa cơm gia đình.

Với hai người con trai bà là vậy, nhưng với hai cô con gái, bà lại nịnh và gắp thức ăn (mỳ tôm) cho liên tục: “Hồng ăn đi con, ăn rồi mới hết đau bụng chứ con. Còn cái Hạnh nữa, ăn nhanh để cho em còn ăn nữa chứ”.

Bữa ăn với những lời nói sang sảng được bà Lực chỉ đạo tới các con liên tiếp khoảng 45 phút thì “trận đấu” cũng dần đi đến hồi kết. Lúc ấy trên mâm cũng chẳng còn gì, khi đó bà Lực mới bưng bát cơm lên, chan nước mỳ ăn từng miếng chậm rãi.

 

Bà phân chia thức ăn cho từng đứa "con nhỏ".

“Bữa nào cũng thế, tôi chỉ một lưng này thôi. Ăn xong, rửa bát là hơn 8 giờ. Rồi chuẩn bị chỗ ngủ cho các con thế là hết ngày”, bà Lực vừa ăn, vừa chia sẻ với chúng tôi.

Cũng trong bữa cơm ấy, rất nhiều những câu chuyện nhỏ đan xen, nhưng có một câu nói của người phụ nữ khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ: “Mấy mẹ con toàn pha mỳ vào một bát chậu to rồi xì xụp vớt ăn. Đó là lúc tôi cảm thấy nhẹ lòng nhất vì đó là lúc các con gần mình nhất”.

Theo Lê Phương (Khám phá)
Tin tài trợ | PRE-VIPTEEN Quan trọng: Đừng quên tăng chiều cao cho con dưới 3 tuổi.
Ít người biết rằng, từ sơ sinh tới 3 tuổi được coi là giai đoạn vàng thứ 2 trong cả chặng đường phát triển chiều cao của trẻ, bởi đây là...
Tin tài trợ | BigBB Nếu biết điều này sớm con tôi đã không ho, sổ mũi quanh năm.
Thời tiết miền Tây nóng ẩm suốt ngày đêm nên bé Phúc thường xuyên sổ mũi, ho đờm về đêm. Từng uống kháng sinh nhiều tới mức bác sĩ kết luận:...
Tin tài trợ | Charmlux Chống lão hóa da cho phụ nữ 30+ với giá rẻ hơn 1 bát phở.
Làm cách nào để xua tan nỗi lo lão hóa luôn là ám ảnh của chị em phụ nữ chúng mình? Bài viết này sẽ bật mí cho chị em những bí...

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây