Quan ngày xưa nghỉ hưu thế nào
- Chủ nhật - 02/10/2016 13:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Lịch triều hiến chương loại chí của tác giả Phan Huy Chú, phần Quan chức chí, thì từ thời Trần đã có lệ cho các quan về nghỉ hưu (trí sĩ). Sử sách có ghi Nguyễn Tiến Ngô đã về trí sĩ rồi lại ra làm quan.
Thời Lê Thánh Tông, nhà vua có chỉ truyền cho các quan văn võ tại chức, đến 65 tuổi, muốn về hưu, thì viết đơn gửi bộ Lại, kê tâu để thi hành.
Từ thời Lê trung hưng (tính từ Lê Thế Tông), thì lệ các quan văn võ đến 70 tuổi mới cho về hưu. Điều này cho thấy tuổi quan của quan lại thời Lê là rất cao. Theo quy định, viên quan nào đến 69 tuổi thì cuối năm làm tờ khải viện lệ bày xin, giao cho các quan bàn, trình lên Chúa Trịnh xem xét, để có thể thăng chức tước khi về hưu.
Quan lại triều Nguyễn. Ảnh minh họa. |
Một số trường hợp cụ thể có ghi lại về việc các quan trí sĩ đầu thời Lê trung hưng, như Thái phó Nguyễn Thực, Thiếu phó Nguyễn Minh Triết đều về hưu ở tuổi 80. Bồi tụng Thượng thư bộ Binh Nguyễn Khải về hưu khi đã 78 tuổi.
Thời Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), ra quy định là quan võ, thì nội giám từ đồng tri giám sự trở lên, 70 tuổi được cho về hưu, từ lục phẩm trở xuống thì cho cáo lão. Định lệ cho quan văn cũng tương tự.
Thời Lê Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), quan văn là Hàn lâm thừa chỉ Trần Ân Triêm 65 tuổi xin về hưu. Chúa Trinh vương Trịnh Giang chuẩn y cho. Từ đấy, các quan văn được về hưu từ 65 tuổi.
Đến đời Lê Hiển Tông, các quan nhiều người muốn xin về hưu sớm. Cả hai ban văn võ đều dâng tờ khải xin được về hưu ở tuổi 60. Chúa Minh vương Trịnh Doanh xem tờ khải không đồng ý, quyết định các quan phải đến 64 tuổi mới được viện lệ xin nghỉ.
Đến cuối đời Hiển Tông, các quan văn ngoài 60 tuổi nhiều người chán cảnh làm quan. Khi đó, chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm ra lệnh tuân theo lệ cũ, các quan 70 tuổi mới được nghỉ hưu.
Sang đến chúa Đoan Nam vương Trịnh Khải, Tể tướng Bùi Huy Bích dâng tờ khải xin lại theo lệ gần đấy, cho các quan 65 tuổi được nghỉ việc để tỏ ra ưu đãi tuổi già. Chúa nghe theo.
Phan Huy Chú có bình luận, đầu thời Lê Trung Hưng, việc về hưu chưa được coi là vẻ vang, cho nên có lẽ vì vậy mà các quan cố gắng làm việc dù tuổi đã già. Theo truyền thống thời Lê, các quan đã về hưu mà được gọi ra làm việc lại (khởi phục) thì coi như là có đặc ân.
Lệ thời ấy, là ngày một quan về hưu, thì các quan trong triều đình đều có thơ mừng, lần lượt viết vào bức lụa, bày tiệc tiễn đưa. Từ khi Yên quận Phạm Công Trứ (1600-1675) 70 tuổi về hưu, có thơ lưu giản với các quan đồng triều, có đến 50 người ở các phủ, bộ, tự, khoa, đạo, viện họa thơ viết lên trướng lụa, uống rượu tiễn trên giang đình, từ đó về sau thành lệ.
Từ thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái năm đầu (1720) về sau, khi các quan đủ hạn tuổi về hưu, vua chúa ban cho sắc thư, các quan tổ chức khen mừng thành tích, tiễn đưa xe ngựa nhộn nhịp, được cho là “làm câu chuyện hay trong buổi thái bình”.
Sang đến triều Nguyễn, vẫn giữ quy định các quan đến 65 tuổi thì về hưu. Tuy nhiên, với các chức quan to, có lẽ việc áp dụng cũng không chặt chẽ mà tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Nguyễn Công Trứ, vừa là quan văn, vừa là tướng võ, đến năm 1847, niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất, ông 69 tuổi mới nghỉ hưu. Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục, Tổng tài quốc sử quán, năm 1913, đến 70 tuổi mới về hưu. Năm 1933, khi vua Bảo Đại quyết định cải tổ bộ máy triều đình, cho cả 5 thượng thư về nghỉ hưu thì Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài đã 70 tuổi.
Tuy nhiên lịch sử vẫn ghi nhận những trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Như cụ Đoàn Tử Quang, người huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, năm 1900 thi đỗ cử nhân khi đã 82 tuổi, vẫn được đặc cách bổ dụng làm Huấn đạo huyện Hương Sơn, rồi huấn đạo huyện Can Lộc. Đến năm 85 tuổi, cụ xin về hưu để phụng dưỡng mẹ già.
Còn Khâm sai đại thần Trần Đình Túc, được cho nghỉ hưu sau khi thương lượng với Tướng Pháp Henri Rivière sau trận đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882), khi ông 64 tuổi. Đến khi vua Tự Đức mất, vua Hiệp Hòa nối ngôi, xảy ra sự kiện quân Pháp chiếm cửa Thuận An, triều đình Huế lại cử Trần Đình Túc ra làm Khâm sai toàn quyền cùng với Nguyễn Trọng Hợp đi hòa nghị, để ký Hòa ước Quý Mùi (còn gọi là Hòa ước Harmand - 1883).
Trong khi đó, hai vị quan lớn của triều Nguyễn có sự cộng tác đắc lực với người Pháp là Nguyễn Thân (Thượng thư Bộ Lại) và Hoàng Cao Khải (Thượng thư Bộ Binh), sau khi tranh chấp quyền lực với nhau, bị cùng được cho về hưu năm 1903, khi ông Thân mới 58 tuổi, ông Khải mới 53 tuổi.
Lê Tiên Long