Phụ huynh yên tâm vì TP. HCM sẽ không khan hiếm vắc xin từ nay đến cuối năm
- Thứ ba - 20/09/2016 03:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 19/9, thông tin từ Sở Y tế TP. HCM cho biết, hiện tại một số loại vắc xin dịch vụ như Pentaxim (5 trong 1), Infanrix Hexa (6 trong 1), cúm, viêm não mô cầu đã được nhập khẩu trở lại.
Theo số liệu từ Công ty CP Dược Mỹ phẩm May, từ đầu năm 2016 đến nay đã bàn giao cho thành phố khoảng 27.000 liều vắc xin 5 trong 1, còn lại khoảng 21.500 liều sẽ tiếp tục giao theo nhu cầu của các cơ sở y tế.
Dự kiến từ tháng 9 này đến cuối năm, Công ty CP Dược Mỹ phẩm May sẽ tiếp tục nhập vắc xin và cung ứng khoảng 30.000 – 40.000 ngàn liều vắc xin 5 trong 1 mỗi tháng cho thành phố.
Phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP. HCM
“Với tình hình cung ứng như vậy, nguy cơ khủng hoảng vắc xin sẽ khó xảy ra như đầu năm 2016. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu tạm thời vì các lý do khách quan khác như thời gian chờ kiểm định vắc xin trước khi đưa ra thị trường, gia hạn hiệu lực số đăng ký…”, Sở Y tế TP. HCM thông báo.
Vừa qua, Sở Y tế TP. HCM đã điều tiết số lượng trẻ tiêm chủng bằng cách phối hợp với tổng đài 1080 để đăng ký tiêm vắc xin. Biện pháp tình thế này đã giúp tranh được tình trạng chen lấn, chờ đợi khi tiêm vắc xin 5 trong 1, tuy nhiên nhưng vẫn còn một số bất cập.
Trong thời gian tới, với nguồn cung tương đối đầy đủ như đã nói, Sở Y tế TP. HCM dự kiến sẽ hủy bỏ đăng ký tiêm vắc xin 5 trong 1 qua tổng đài 1080, phụ huynh có thể tự chủ động đưa trẻ đến nơi tiêm chủng theo nhu cầu.
Theo Sở Y tế TP. HCM, tiêm chủng là việc làm rất cần thiết nhằm phòng tránh bệnh tật cho trẻ. Ngoài lịch tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế ban hành, rất nhiều loại vắc xin dịch vụ ngừa các loại bệnh khác cho trẻ được nhiều phụ huynh quan tâm như: vắc xin cúm, thủy đậu, viêm não mô cầu, phế cầu…
Do lo lắng về phản ứng sau tiêm chủng của vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân có xu hướng đổ xô đưa trẻ đi tiêm các loại vắc xin dịch vụ thay cho vắc xin Quinvaxem. Năm 2015 và đầu năm 2016, vắc xin dịch vụ không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân TP. HCM, đã xảy ra tình trạng hết các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, cúm, viêm não mô cầu.
Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo, việc tiêm đúng lịch, đủ mũi, đủ liều là rất quan trọng với trẻ nhằm phát huy tối đa tác dụng phòng bệnh của vắc xin. Phụ huynh không nên vì tâm lý lo lắng, chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ thời điểm tiêm vắc xin cho trẻ. Phụ huynh nên tiếp tục tuân thủ theo đúng lịch tiêm chủng vì quyền lợi, trách nhiệm cũng như tương lai của trẻ và cả cộng đồng.
Trước đó, ngày 31/8, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cho biết, số lượng trẻ tiêm đầy đủ 4 mũi vắc xin ngừa bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván (vắc xin DPT) chưa cao, chỉ có 39% số trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin này trong 6 tháng đầu năm 2016.
Để đảm bảo khả năng đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng về bệnh bạch hầu nói riêng và ho gà, uốn ván nói chung, nhất là khi tỉnh Bình Phước đã xảy ra dịch bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh có con em từ 18 đến 48 tháng tuổi trên toàn thành phố chưa tiêm vắc xin DPT đủ 4 mũi nên đưa con em đến Trạm y tế phường/xã để tiêm ngừa vắc xin đầy đủ từ đầu tháng 9.
Một số trường hợp nên hoãn tiêm vắc xin cho bé phụ huynh nên ghi nhớ, đó là: Bé đang mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng, đang sốt, hạ thân nhiệt (sốt: ≥37,5 độ C, hạ thân nhiệt: ≤35,5 độ C). Bé đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày. Bé có cân nặng dưới 2000 gram tại thời điểm khám. Không nên cho bé ăn quá no hoặc quá đói trước khi tiêm phòng. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và hãy mang theo sổ tiêm ngừa. Thông báo trước cho nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe cũng như các bệnh mãn tính của bé, dị tật bẩm sinh, tiền sử dị ứng, nhất là phản ứng của bé với những lần tiêm phòng khác. Theo dõi sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút, theo dõi sau tiêm chủng tại nhà là 24 giờ. Đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có một trong những dấu hiệu: nổi mề đay, nôn ói nhiều, quấy khóc nhiều, khó thở, da nổi bông, tím tái, tê môi, lừ đừ, rối loạn ý thức, sốt cao liên tục không giảm, co giật, hoặc dấu hiệu bất thường khác. |