Phạm nhân nữ được gặp chồng nhưng phải tránh thai
- Thứ bảy - 29/10/2016 18:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân… để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan ban ngành. Nếu được thông qua, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.
Đáng chú ý là tại phần quy định về thủ tục thăm gặp, dự thảo có nêu rõ trường hợp phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng.
Gặp 24 giờ với cam kết không mang thai
Theo dự thảo, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Để được thăm gặp, thân nhân là vợ hoặc chồng phải có giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp.
Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù. Đây là điểm mới của dự thảo thông tư so với Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.
Phạm nhân nữ khi gặp chồng tại phòng riêng phải làm giấy cam kết không mang thai. Ảnh: Tuyến Phan
Quy định cho phép phạm nhân gặp thân nhân là vợ hoặc chồng tại phòng riêng được nhiều ý kiến đánh giá là rất nhân văn, nhân đạo, nó tạo sự khích lệ cho các phạm nhân chấp hành tốt, lập công lao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc quản lý, kiểm soát thời gian gặp riêng này ra sao, trong trường hợp đã có giấy cam kết không mang thai nhưng sau đó phạm nhân nữ vẫn mang thai thì xử lý như thế nào?
Tạo động lực để phạm nhân cải tạo tốt
Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cho rằng quy định này của dự thảo thông tư là phù hợp và nhân văn. Việc cho phép phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng đã áp dụng từ lâu, kể từ Pháp lệnh Thi hành án phạt tù cho đến nay là Luật Thi hành án hình sự . Đây cũng là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
“Phòng gặp riêng còn gọi là buồng hạnh phúc hoặc nhà hạnh phúc. Tôi đi nước ngoài và có trao đổi với họ về việc cho phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng, họ tỏ ra khá ngạc nhiên về điều này và cho rằng đây là một điểm tiến bộ của Việt Nam” - Thiếu tướng Quân nói.
Thiếu tướng Quân đánh giá việc cho vợ chồng phạm nhân gặp nhau là rất tốt. Thứ nhất là có thể cải thiện tâm lý của phạm nhân; thứ hai là tạo điều kiện cho gia đình cùng tham gia, phối hợp với cơ sở giam giữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân; thứ ba là sẽ tạo động lực để phạm nhân chấp hành, cải tạo tốt hơn.
Xử lý sao nếu nữ phạm nhân mang bầu?
Về băn khoăn đối với việc mang thai trong quá trình gặp riêng, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho hay đối với phạm nhân nữ, khi gặp chồng tại phòng riêng thì phải thực hiện các biện pháp tránh thai và ký giấy cam kết không mang thai, sau đó mới cho phép gặp. Điều này xuất phát từ việc trước đây phạm nhân nam chiếm tỉ lệ lớn nhưng hiện nay số lượng tội phạm nữ đang tăng lên, do đó Bộ Công an đã có dự liệu và quy định để phù hợp với sự thay đổi này.
“Nếu phạm nhân nam gặp vợ mà mang thai thì sẽ không quá rắc rối nhưng ngược lại, nếu phạm nhân nữ gặp chồng mà mang thai thì sẽ phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình chấp hành án” - Thiếu tướng Quân nói.
Theo tướng Quân, “việc ký cam kết chủ yếu dựa trên sự tình nguyện của chính phạm nhân. Nếu cam kết mà vẫn mang thai thì đương nhiên phạm nhân đó đã vi phạm nội quy, sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào đối với trường hợp này. Dự thảo thông tư đang trong quá trình xin ý kiến để tính toán thêm, Bộ Công an vẫn đang xây dựng và hướng dẫn thêm để có cách giải quyết sao cho phù hợp nhất”.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Quân cho biết nếu trường hợp phạm nhân nữ mang thai và bắt buộc phải sinh, khi đó sẽ có hai hướng xử lý: Hoặc là gửi con về cho người nhà chăm, hoặc là ở các trại giam có khu vực nuôi trẻ riêng thì sẽ cho trẻ gần mẹ để chăm sóc. Trong các quy định, đối với người nuôi con nhỏ cũng sẽ được hưởng các chế độ ưu tiên hơn, như diện tích nằm lớn hơn, chế độ dinh dưỡng cao hơn…
Chế độ thai sản đối với nữ phạm nhân - Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe. - Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo BLLĐ. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con. - Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thì trại giam, trại tạm giam… phải đề nghị Sở LĐ-TB&XH nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. - Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. (Trích Điều 45 Luật Thi hành án hình sự năm 2010) Tử tù mua tinh trùng để… mang thai Giữa tháng 2-2016, trong thời gian bị giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh, nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi) bỗng nhiên có thai. Tử tù Huệ được cho là đã lén mua tinh trùng của một nam phạm nhân rồi… mang thai để thoát tội chết. Vụ việc đã gây chấn động dư luận không chỉ bởi sự hi hữu về cách thức mang thai mà còn vì lỗ hổng trong công tác quản lý phạm nhân. |