Phạm nhân mang án chung thân và nỗi sám hối để cha mẹ già lao tâm khổ tứ
- Thứ ba - 31/01/2017 15:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chưa lập gia đình, bố mẹ già ở xa, lại vất vả khó khăn, nên hơn mười năm chấp hành án, Minh chỉ được gia đình thăm nuôi vài lần.
Nỗi buồn trước những mùa xuân
Ngồi đối diện với PV là người đàn ông có đôi mắt tinh ranh, nhưng hiếm khi nhìn thẳng người đối diện lúc trò chuyện. Khi PV hỏi câu nào, người đàn ông đó trả lời rất nhanh nhảu, đôi khi còn có phần hơi hấp tấp. Người đàn ông đó tên Nguyễn Quang Minh (sinh năm 1975, ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội), thụ án tù chung thân về tội Giết người.
Khi được cán bộ trại giam Xuyên Mộc (nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) dẫn ra gặp PV, khuôn mặt Minh có chút buồn bã khi nhắc lại chuyện cũ. Minh chia sẻ: “Bây giờ tôi cũng không biết nên bắt đầu như thế nào. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, tôi không nhớ kỹ lắm về chi tiết, nhưng tôi vẫn luôn ám ảnh về cái chết của người bạn làm ăn do tôi gây ra. Từ đó đến nay tôi vẫn luôn day dứt, ám ảnh về tội lỗi của mình”.
Bằng giọng đều đều, Minh kể cho PV nghe về tuổi thơ khốn khó nhưng cũng là thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời Minh. Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, Minh là con thứ 3. Dù sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng Minh cũng không phải là người được ăn trắng mặc trơn, gia đình Minh thuộc dân lao động, nên từ nhỏ Minh vất vả. Minh nhớ lại: “Ba mẹ tôi lao động chân tay, nhưng sống rất hiền lành, cả đời yêu thương con cái. Tôi học hết cấp 2 thì nghỉ học, cũng tìm nhiều việc làm thêm, nhưng ở Hà Nội lúc ấy khó kiếm việc, không như ở Sài Gòn, nên tôi quyết tâm theo bạn bè vào Sài Gòn lập nghiệp”.
Năm 1996, lúc vừa bước vào tuổi 20 Minh xin ba mẹ vào miền Nam, song ba mẹ Minh không đồng ý. Nhớ lại chuyện này, Minh buồn bã nói: “Tôi lúc nhỏ cũng cá tính, có nhiều bạn bè, đi chơi suốt nên lúc xin đi xa, ba mẹ tôi không muốn cho tôi đi. Nhưng tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải vào Nam lập nghiệp, ngày đó bạn bè tôi ai vào Sài Gòn cũng làm ăn có tiền. Họ kể cho tôi nghe bao nhiêu thứ rất thú vị, nên tôi đòi đi cho bằng được. Thấy tôi đòi nhiều quá nên ba mẹ tôi cũng bằng lòng. Lúc bắt xe đi, mẹ tôi đã khóc mãi...”.
Minh cũng không ngờ, đó là lần cuối cùng từ lúc ra đi làm ăn đến nay, Minh nhìn thấy mẹ.
Mẹ già mong ngóng con ngày trở về - Ảnh minh họa
Biến cố cuộc đời
Chàng trai bước vào tuổi 20 với bao ước mơ hoài bão, Minh theo bạn bè vào TP.HCM với những suy nghĩ lấp lánh về một tương lai tươi đẹp. Nhưng Sài Gòn không lung linh như Minh nghĩ, lúc đầu vào Minh làm bao nhiêu việc mưu sinh, từ rửa xe, phụ quán cho đến làm công nhân... miễn có việc gì người ta thuê là Minh làm. Sau nhiều nghề mưu sinh Minh tìm đến thầy dạy nghề điêu khắc. Minh kể: “Tôi rất đam mê điêu khắc, nên quyết tìm cho bằng được thầy giỏi. Tôi vừa làm vừa học, sau hai năm tay nghề cứng nên tôi đã thuê một ngôi nhà ở quận Tân Bình để mở tiệm điêu khắc. Nhờ khéo tay, nên tiệm của tôi rất đông khách”.
Những năm tháng ấy, Minh cứ dốc hết tiền và sức vào tiệm điêu khắc của mình, ai cũng mừng cho Minh với bước đầu làm ăn may mắn. Trong thời gian làm ăn, minh quen với anh Nguyễn Ngọc T. (SN 1970, ngụ TP.HCM) cũng là một thợ điêu khắc giỏi. Minh kể lại: “Tôi và anh T. tuy chênh lệch 5 tuổi nhưng chơi thân với nhau, anh T. cũng có một tiệm điêu khắc ở gần tôi. Hai anh em luôn giúp đỡ nhau trong công việc, mỗi lần tôi có gì khó khăn đều nhờ anh T. và ngược lại. Tình bạn ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ...”.
Tưởng như với tấm chân tình đó, Minh và anh T. sẽ mãi là bạn tốt, cùng giúp đỡ nhau qua những khó khăn và vui buồn. Nhưng biến cố đã xảy ra vào đầu năm 2003, Minh đau đớn nhớ lại: “Tôi còn nhớ đó là vào đầu năm 2003, hôm đó tôi đi ăn cưới một người bạn. Lúc tôi đang mặc bộ đồ mới, mang đôi giày cũng mới mua đi thì anh T. đến chơi. Anh T. hỏi tôi đi đâu, tôi bảo đi đám cưới bạn. Lúc đó anh T. nhìn thấy đôi giày tôi mới mua nên chọc, nói mày mua giày đi để tán gái à? Tôi cũng cười nói ừ, sau đó anh T. cúi xuống tụt giày tôi ra, tôi lại tụt quần anh T.. Hai anh em trêu qua, trêu lại, một tí xong cả hai đều cáu. Tôi với anh ấy lao vào đấm nhau, sẵn con dao điêu khắc tôi đâm anh ấy hai nhát... Tôi cũng không hiểu sao mình lại ra tay với anh ấy. Nhưng thật lòng, chỉ nghĩ tức lên đâm vậy thôi, chứ cũng không có ý giết anh T.”.
Nói đến đây, Minh cúi mặt xuống. Thật lâu Minh mới nói: “Tôi luôn trách bản thân là tại sao vì một chuyện nhỏ mà mình gây ra tội tày trời như thế? Tôi đau lòng lắm, nhưng bây giờ thì biết làm sao? Người chết cũng đã chết rồi còn tôi phải trả giá cho lỗi lầm của mình”.
Được biết, đâm anh T. xong, thấy anh T. nằm gục xuống nền nhà, Minh sợ quá nên bỏ chạy. Minh biết chắc là anh T. chết vì vết đâm của Minh, nên Minh trốn. Sau 2 tháng lẩn trốn thì Minh bị công an bắt. Cùng năm 2003, Minh bị Tòa án Nhân dân TP.HCM kết án chung thân về tội Giết người. Minh cúi đầu, tay đan vào nhau nói: “Vào trại giam tôi chỉ lo chăm chỉ chấp hành thật tốt các nội quy của trại, tôi vừa được giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn. Tôi biết giờ tôi cũng lớn tuổi rồi, ngày về còn xa lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng cải tạo tốt để mong được về bên ba mẹ”.
Khi nhắc đến hai từ ba mẹ, Minh hình như nghẹn lại. Tình cảm của đứa con trai dù đã mắc bao lỗi lầm vẫn luôn hướng về đấng sinh thành của mình, với những thiết tha từ sâu thẳm. Minh tâm sự: “Từ ngày nghe tin tôi bị bắt, ba mẹ tôi nghe nói suy sụp nhiều lắm, ông bà cũng đã cao tuổi, không thể vào thăm tôi được nữa. Các anh chị sắp xếp lâu lâu vào thăm tôi một lần, nhưng cũng do ở xa quá, điều kiện kinh tế eo hẹp, nên cũng ít vào thăm được.
Tôi không buồn vì chuyện đó, cả nhà cũng vì tôi mà vất vả rồi. Tôi chỉ mong ngày tôi về, ba mẹ tôi vẫn còn sống để tôi được đón Tết với hai cụ. Cả đời tôi khi chưa phạm tội, được tự do tự tại thì lo làm ăn, không về thăm ba mẹ, nay không thể về được, thì chỉ ước mơ được về bên ba mẹ, quây quần bên nồi bánh chưng nói chuyện thôi. Điều ước nhỏ nhoi ấy bây giờ sao mà khó quá...”.
Tôi thấy, nói đến đó Minh quay mặt đi, có lẽ Minh không muốn cho ai thấy mình đang chực khóc. Cũng có thể Minh không dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Vì tội ác mình gây ra, Minh phải trả giá, âu đó cũng là bài học cho người đời lấy đó mà răn mình.