Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Ông Vũ Ngọc Hoàng: "Tranh cử lành mạnh sẽ hạn chế việc bổ nhiệm người nhà"

Ông Vũ Ngọc Hoàng: "Tranh cử lành mạnh sẽ hạn chế việc bổ nhiệm người nhà"
"Cơ chế tranh cử lành mạnh sẽ giúp xã hội tìm người tài và hạn chế quan chức tìm người nhà", ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) nêu quan điểm.

Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Vinh An

VnExpress phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoàng quanh hiện tượng người thân, họ hàng của lãnh đạo được bổ nhiệm, thăng chức ở nhiều nơi thời gian qua.

- Muốn xây dựng bộ máy mạnh thì phải “tìm người tài, không tìm người nhà”, nhưng có ý kiến cho rằng người nhà giỏi sao không dùng mà phải dùng người ngoài. Ông bình luận gì về điều này?

- Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là phải dùng cho được người giỏi. Nếu như có hai người giỏi ngang nhau, một người nhà và một người không bà con thì nên dùng người ngoài, vì đó còn là văn hóa, là tập hợp trăm dân muôn họ, là sự thể hiện cờ nghĩa ngoài việc bố trí con người vào một chức vụ cụ thể. Không có văn hoá này, việc đưa người nhà vào những vị trí quan chức trong bộ máy nhà nước mà dư luận gọi là “cả họ làm quan”, theo tôi là biểu hiện của tha hóa quyền lực, rất tệ hại.

Trước đây tôi biết chuyện một số người muốn cất nhắc GS Hồ Ngọc Đại - con rể Tổng bí thư Lê Duẩn vào vị trí cao, nhưng ông Hồ Ngọc Đại không nhận, chỉ xin làm giáo viên dạy cấp một, còn Tổng bí thư Lê Duẩn thì gạt đi và nói: “Các anh có để cho tôi làm việc không”.

- Tiêu chí đánh giá người tài còn mơ hồ, làm sao chọn được người giỏi, thưa ông?

- Người tài ở đâu, ai là người tài đúng là câu chuyện không dễ nhận ra, nhưng không có nghĩa là không thể nào biết được. Người dân biết chứ. Vấn đề là phải công tâm và phải có cơ chế chọn cho được người tài, trong đó tranh cử là một cơ chế tốt. Nếu chỉ độc diễn, không có điều kiện thể hiện, cọ xát, so sánh thì khó chọn người tài.

Tất nhiên để thực hiện cơ chế tranh cử thì phải có lãnh đạo để tạo môi trường và cơ chế tranh cử lành mạnh, công bằng, đồng tiền không mua chuộc được. Đặc biệt là phải minh bạch thông tin và thông tin nhiều chiều, không ai được độc quyền hoặc bưng bít thông tin, đồng thời, phải có cơ chế xử lý tin xấu, sai lệch, vu cáo, xúc phạm.

Nói chung phải tạo môi trường pháp lý, môi trường văn hóa lành mạnh. Kể cả khi chưa hình thành hoàn chỉnh môi trường ấy, vẫn phải từng bước thiết chế nó hoàn thiện dần. Để làm phải có sự chuẩn bị, nếu làm ngay thì một giải pháp tốt mà không có môi trường tốt, lại ra kết quả không tốt. Thiếu gì chuyện được cho là làm đúng quy trình nhưng cuối cùng ra một kết quả không tốt.

- Khi dư luận đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm người nhà thì thường nhận được trả lời quen thuộc là “đúng quy trình”. Ông nhận xét thế nào?

- Quy trình không phải mục đích chính, mà mục đích chính là quy trình đó sẽ cho ra sản phẩm tốt. Nếu quy trình chưa cho ra sản phẩm tốt thì phải thay đổi nó. Mặt khác, phải coi lại xem ai đó lợi dụng quy trình hay không. Cũng quy trình ấy, với người có động cơ tốt thì sẽ cho ra sản phẩm tốt và ngược lại. Thực tế, nhiều người có quyền lực, cũng vận dụng quy trình, cũng thực hiện biểu quyết giơ tay đầy đủ và tỷ lệ nhất trí là 100%. Cuối cùng với quy trình như vậy, người nhà của lãnh đạo được cất nhắc lên vị trí cao rất “đúng quy trình”.

- Ông nghĩ sao về việc cần xây dựng điều luật để tránh hiện tượng “tìm người nhà” trong hệ thống chính trị các cấp?

- Tôi nghĩ cần có điều luật đó. Ngày xưa các vua thời Hậu Lê, thời Nguyễn đã có Luật Hồi tỵ để tránh bổ nhiệm, cất nhắc người thân. Chỉ mấy tháng sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho chính quyền từ làng, xã, huyện, tỉnh, phê phán mấy căn bệnh như bè phái lôi kéo người thân thích họ hàng vào làm việc, lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân. Việc nghiên cứu, đưa ra những điều luật tránh bổ nhiệm người nhà không khó, vấn đề là có muốn làm hay không thôi.

Ví dụ, thủ trưởng bộ ngành, địa phương không nên chủ trì việc bổ nhiệm người nhà. Chướng lắm. Khi người đứng đầu bổ nhiệm người nhà, cấp dưới thường không dám có ý kiến, vì thế không nhận được thông tin trung thực. Hoặc có những trường hợp thủ trưởng không trực tiếp chủ trì nhưng lại chỉ đạo thông qua người khác, đó cũng là một biểu hiện của lợi ích nhóm. Quy định được điều này cũng để tránh “nỗi khổ” của vị lãnh đạo nào đó tâm sự là không muốn bổ nhiệm người nhà nhưng cấp dưới cứ trình lên.

Ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng người đứng đầu các bộ ngành, địa phương không nên chủ trì việc bổ nhiệm người nhà. Ảnh: Vinh An

- Bên cạnh quy định pháp luật, người ở vị trí lãnh đạo nên ứng xử ra sao khi người nhà được bổ nhiệm?

- Ngoài quy định pháp luật, còn một thứ rất quan trọng chính là sự trung thực, là độ chín về văn hoá ở những người có chức quyền. Họ phải biết xấu hổ mới được. Nhiều người đầy quyền lực để làm việc này việc kia, nhưng họ không thể làm, vì họ kiểm soát được chính họ. Tuy nhiên những người như vậy là số ít, trong khi những người có thể bị tha hoá khi nắm quyền lực thì nhiều, vì vậy nhất thiết phải kiểm soát quyền lực.

Xung quanh câu chuyện này có một vấn đề cốt lõi chính là tính trung thực. Tính trung thực xây dựng bằng cách nào? Nếu không được tự do nói lên suy nghĩ của mình, không được tự do học thuật, tự do ngôn luận, thì những yếu tố đó sẽ tàn phá tính trung thực. Bởi nó giống như cơ chế tự vệ, khi người ta nói thật thì họ sợ nên phải nói dối, lâu dần sẽ làm xói mòn tính trung thực. Chuyện xưa, có nhà vua quở trách cận thần: “Sao ngươi nói dối ta”. Cận thần nói: “Mấy lần trước nói thật thì vua nổi giận”.

Phùng Nguyên (thực hiện)

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây