Ông Đinh La Thăng: "Lợi ích địa phương đang cản trở liên kết vùng"
- Thứ năm - 18/08/2016 21:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội nghị Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Namgiữa lãnh đạo 8 tỉnh thành sáng 18/8, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đánh giá vùng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, với đô thị đặc biệt là TP HCM.
"Những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng này rất cao so với trung bình cả nước, nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống quản lý đô thị và quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển, chưa giúp nâng cao năng lực tăng trưởng và cạnh trạnh, nguồn lực phân tán", ông Thăng nói.
Theo Bí thư TP HCM, từ trước đến nay các tỉnh nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành thực sự, chưa có giải pháp phù hợp. "Các vấn đề nội vùng được giải quyết một cách phân tán theo lợi ích của từng địa phương. Chúng ta cứ bắt tay nhau thế thôi chứ thực tế lợi ích địa phương nào thì nghĩ cho địa phương đó", ông Thăng thẳng thắn.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thiên Ngôn
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết ông đi từ Tây Ninh đến trung tâm TP HCM hết 3 tiếng rưỡi dù quãng đường chỉ hơn 100 km. "Bí thư TP HCM hỏi tôi đi hết bao lâu, tôi xin nói thật như thế để thấy 2 địa phương cạnh nhau nhưng kết nối giao thông vẫn còn rất xa", ông Quang nói.
Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Trần Thanh Bình cho hay, tại các chuyến làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đa số kiến nghị của các địa phương phía Nam đều về giao thông. Bộ GTVT cũng đã trả lời "không thể thực hiện được vì không đủ vốn". Vì vậy, để hiệu quả các bộ ngành, địa phương cần chọn ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm trong kết nối vùng.
"Các tỉnh cùng TP HCM nên đề nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cho phát hành trái phiếu địa phương, với trái phiếu của Chính phủ nữa, sẽ có thêm vốn để xoay sở. Đồng thời, cần có cơ chế về xã hội hóa rõ ràng hơn", bà Bình nói và cho rằng không còn vốn thì cần phải có cơ chế đặc thù, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi có điều kiện tiềm lực và lợi thế huy động với 2 hình thức này.
Trong khi đó, dù đánh giá cao một số dự án giao thông lớn trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế vùng phía Nam, song Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nhìn chung các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm so với quy hoạch. Chẳng hạn như đường vành đai 3, vành đai 4 ở khu vực TP HCM.
"Điều này gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa của các tỉnh ra khu vực cảng, đẩy chi phí vận tải lên cao. Hay như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải xây dựng xong nhưng giao thông kết nối cảng còn nhiều hạn chế nên không thể khai thép hiệu quả cụm cảng này", ông Đông nói. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm đến 60% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước nên hạn chế về giao thông ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội khu vực.
Theo ông Đông, đối với các dự án giao thông thì vốn ngân sách nhà nước là chủ đạo, bên cạnh đó phải huy động vốn tư nhân. Để huy động nguồn vốn xã hội thì Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và cùng tham gia một phần để việc triển khai mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, các địa phương phải phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng mới có thể triển khai nhanh dự án và mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Hội nghị được tổ chức với sự tham dự của các Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch các tỉnh thành trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và các ban, bộ ngành trung ương. Ảnh: Thiên Ngôn
Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng kết nối giao thông là rất cần thiết để phát triển kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Từ Tây Ninh đi TP HCM có hơn 100 km mà đi hết 3 tiếng rưỡi thì Tây Ninh không thể nào phát triển được", ông Thăng nói.
Với tư cách là địa phương Chủ tịch hội đồng điều phối luân phiên của vùng, Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị các tỉnh rà soát các dự án giao thông trên địa bàn và xây dựng nhiều cơ chế để thu hút vốn đầu tư. Trên cơ sở lợi ích vùng, các địa phương cũng phải thống nhất phương án đầu tư, thu hút vốn và ưu tiên dự án nào triển khai trước.
"Chờ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA thì rất mất thời gian. Nếu không tiếp tục huy động nguồn lực tại chỗ, vốn xã hội thì rất khó phát triển hạ tầng giao thông cho vùng. Để chống tham nhũng, lãng phí cũng như ùn tắc giao thông, các dự án BOT phải thu phí tự động và công khai, minh bạch...", ông Thăng nêu quan điểm.
Cũng theo ông Thăng, cơ chế các tỉnh làm chủ tịch luân phiên hiện không hiệu quả. TP HCM không thể điều phối Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Vì vậy, với vai trò quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh trong vùng cần kiến nghị Trung ương để Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng phụ trách để nắm quyền điều phối cả vùng.
Thiên Ngôn