Oằn mình đóng quỹ, phí: Đủ kiểu tận thu
- Thứ ba - 23/08/2016 19:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Sông Hậu, nguyên nhân sâu xa của việc nhiều địa phương tận thu các loại quỹ, phí là do đội ngũ cán bộ ở cấp gần dân nhất quá dư thừa. Để nuôi bộ máy này thì bắt buộc phải tìm nguồn thu và tiện nhất chính là từ người dân trực tiếp sản xuất.
Nợ quỹ, phí đầm đìa
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), gia đình ông canh tác hơn 3 ha lúa nhưng mỗi năm phải đóng rất nhiều loại phí. Trong đó, mỗi công đất phải chịu 200.000 đồng tiền bơm nước, 6.000 đồng thủy lợi phí, 10.000 đồng quỹ phòng chống lụt bão, 70.000 đồng tiền hùn vốn mua đất làm đê bao chống lũ, hơn 250.000 đồng phí làm đường nông thôn…
Làm nông, nhiều gia đình chủ yếu kiếm hạt gạo sống qua ngày. Gặp lúc thời tiết không thuận lợi, bao nhiêu chi phí chồng chất thì xem như lỗ vốn. Đó là chưa kể vì không có vốn nên tất cả tiền mua giống, đầu tư sản xuất, phân bón... đều phải vay mượn rồi è cổ trả lãi. Mất một mùa lúa xem như mang nợ cả năm. “Làm nông là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đủ các loại phí cứ rỉa rói hết vào hạt lúa thì nông dân chúng tôi còn khổ dài dài” - ông Phúc than vãn.
Sản xuất khó khăn nhưng nông dân tại nhiều địa phương ở ĐBSCL phải đóng rất nhiều loại phí
Bức xúc hơn, bà Đặng Thị Hà (ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho biết vừa qua, 4 ha lúa của gia đình bà bị hạn hán chết sạch nhưng chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu so với chi phí đã đầu tư vào mảnh ruộng. “Thế nhưng, khi tôi vừa ký nhận tiền hỗ trợ thì lập tức một cán bộ ấp kéo lại bắt buộc phải đóng các loại quỹ, phí tổng cộng 220.000 đồng mà không ghi biên lai cũng không giải thích là thu tiền gì. Tôi đành phải đóng cho yên chuyện” - bà Hà nhớ lại.
Trong khi đó, bà Phan Thị Oanh (ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận) cũng bị mất trắng 3 ha lúa khi vừa trồng 60 ngày. Vừa nhận được tiền hỗ trợ, bà bị “cắt” 440.000 đồng cho quỹ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, kết cấu hạ tầng, đền ơn đáp nghĩa, giao thông nông thôn… “Tôi chưa kịp mừng vì nhận tiền hỗ trợ, có vốn liếng đầu tư cho mùa sau thì đã bị đòi nợ. Hiện rất nhiều người còn nợ đầm đìa các loại quỹ như thế. Khi họ có chút tiền liền bị cán bộ ấp, xã trừ nợ” - bà Oanh cho biết.
Đóng phí mới được cấp giấy chứng nhận
Trồng lúa thì như thế, nuôi cá cũng không thoát. Nhiều năm qua, các hộ dân và doanh nghiệp nuôi cá tra ở ĐBSCL phải gánh những khoản phí cao ngất ngưởng. Đã vậy, họ còn phải đóng những khoản bắt buộc khác như bảo vệ môi trường hoặc kiểm tra mẫu trước khi cá được xuất bán...
Ông Lê Văn Nước (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cho biết thông thường, người nuôi cá tra phải đóng 3 triệu đồng tiền kiểm mẫu cho một ao cá chuẩn bị thu hoạch. “Giá cá tra hiện khoảng 17.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 2.000 đồng/kg. Người nuôi còn cõng thêm bao nhiêu chi phí không tên khác thì càng nuôi càng lụn bại” - ông lo lắng.
Thế nhưng, những khoản phí trên chẳng thấm tháp vào đâu so với phí tiền tỉ mà doanh nghiệp nuôi cá phải trả. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang, tiết lộ các doanh nghiệp và người nuôi cá tra muốn có vùng nuôi đạt tiêu chuẩn phải đóng phí rất cao mới được cấp giấy chứng nhận. Chẳng hạn, để có chứng nhận theo tiêu chuẩn HQF 1000 CM, Global Gap hay ASC, doanh nghiệp nộp phí lần đầu khoảng 14.000 USD. Sau một năm tái kiểm, nếu đạt yêu cầu, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận mới với mức phí bằng 50% lần trước.
Cụ thể, nếu nuôi với diện tích 20 ha, sản lượng 8.000 tấn cá, chủ vùng nuôi phải bỏ ra chi phí khoảng 300 triệu đồng cho chứng nhận ban đầu. Theo đó, giá thành sản phẩm cũng đội lên 300-400 đồng/kg. Với giá cả khá bấp bênh như hiện nay cộng với hàng loạt khoản phí, nhiều doanh nghiệp khó thể đủ sức đeo đuổi nghề nuôi cá.
Bày vẽ để thu tiền GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng hiện nay, nông dân phải chịu những khoản phí không cần thiết như việc được cấp chứng nhận GlobalGAP đối với các mặt hàng nông, thủy sản. Nhiều tổ chức “bày ra GAP này, GAP nọ chỉ để móc túi nông dân”. Nông dân hoàn toàn có khả năng làm ra các sản phẩm sạch mà không phải chịu những khoản phí, làm gia tăng giá thành sản xuất. Nhiều nơi làm ra sản phẩm xuất khẩu được, như gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú ở huyện U Minh (Cà Mau), mà không cần chứng nhận của những tổ chức trên vì đã sản xuất theo quy trình của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố. Công ty chỉ mời 1 chuyên gia Mỹ sang kiểm tra rồi chứng nhận nên chỉ tốn tiền mua vé máy bay và một ít tiền bồi dưỡng là xong. “Việc sản xuất theo quy trình công nghệ cao là xu hướng tất yếu nhưng cũng đừng xem nó quá ghê gớm. Phần lớn những người ở các công ty tư vấn chỉ đến hỏi tới, hỏi lui nông dân hoặc kinh nghiệm của địa phương rồi ghi vào sổ. Sau đó, họ đưa thêm một số tiêu chuẩn quốc tế cho từng loại sản phẩm rồi cho ra quy trình của riêng mình, thế là thu tiền. Tôi từng giúp nhiều HTX sản xuất lúa sạch trong hệ thống nông nghiệp GAP mà không tốn kém gì cả. Cụ thể, HTX Mỹ Lộc ở tỉnh Vĩnh Long đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và cho ra sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn mà không mất tiền cho các công ty tư vấn” - GS-TS Võ Tòng Xuân khẳng định. |