Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nơi những phụ nữ lấy "thuyền làm nhà" giữa lòng Sài Gòn

Nơi những phụ nữ lấy "thuyền làm nhà" giữa lòng Sài Gòn
Giữa Sài Gòn phồn hoa có một chợ nổi tồn tại trên dòng Kênh Tẻ. Đây chính là nơi nhiều phụ nữ quê miền Tây lấy thuyền làm nhà và buôn bán để nuôi gia đình.

Chạy xe trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) bên dòng Kênh Tẻ ắt hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy hàng chục chiếc thuyền đậu san sát nhau trên mặt kênh. Đó chính là chợ nổi miền Tây giữa lòng Sài Gòn, tồn tại hơn 20 năm với nhiều hộ dân sinh sống, lấy thuyền làm nhà và cũng là phương tiện buôn bán.

“Chợ ở đây chỉ bán trái cây và bán trên thuyền, không bán thứ khác!”, một người phụ nữ tên Xuân mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

 

Một góc chợ nổi miền Tây giữa lòng Sài Gòn

Chị Xuân quê ở Long An, năm nay 40 tuổi và đã có 15 năm sinh sống trên thuyền làm nghề buôn bán mít. Lúc trước chị sống với cha mẹ ở quê, nhà có ruộng đất nhưng trồng cây trái không đủ sống. Sau khi cưới chồng, chị lấy thuyền làm nhà dạt lên Sài Gòn buôn bán mưu sinh.

“Tôi mua mít chín dưới các tỉnh rồi xuôi thuyền lên đây bán kiếm lời. Mỗi chuyến ở lại đây bán đắt thì vài ngày hết lại đi tiếp, lời lãi cũng chỉ đủ nuôi gia đình”, chị Xuân tâm sự.

Cả gia đình chị Xuân có 4 người, người chồng chị đi phụ hồ nay đây mai đó theo công trình; 2 đứa nhỏ học tiểu học, cùng chị Xuân sống trên thuyền, vừa là phương tiện mưu sinh.

Mỗi khi chị Xuân xuôi thuyền đi mua mít vào dịp cuối tuần là các con đi theo phụ giúp để có tiền ăn học.

 

Trong ảnh, một phụ nữ bày bán chuối sau khi đưa từ thuyền lên bờ

Vừa sắp lại các trái dừa, một người phụ nữ đội chiếc nón lá, hai tay với làn da rám nắng, mái tóc búi gọn trên cao mở miệng rao: “Mua dừa đi, dừa nào, dừa trái nhỏ nhưng nước nhiều ngọt lắm!”.

Chúng tôi hỏi tên chị không nói, cứ bảo gọi “Chị buôn dừa thôi em ơi! Ai cũng gọi chị vậy hết! Gọi chị buôn dừa nhé!”.

Bỏ chiếc nón lá xuống phe phẩy cho mát người, người phụ nữ này giới thiệu mình quê Cần Thơ, lên Kênh Tẻ buôn dừa được 7 năm. Nhiều năm trước chị buôn bán ở chợ nổi cái Răng nhưng bạn thuyền rủ nên tìm lên thành phố hi vọng đổi đời.

 

Một phụ nữ bán mít  tại chợ đang xẻ trái để lấy múi bán cho người dân. Cả gia đình chị sinh sống trên thuyền đã hơn 5 năm

“Chị buôn một mình thôi, làm được bao nhiêu nuôi cha mẹ già với mấy đứa em! Chị bán dừa khoảng một tuần là về quê vài ngày mua dừa tiếp tục đem lên bán!”, người phụ này chia sẻ.

Hỏi chị Xuân mới biết, người phụ nữ này tên Oanh, có một đời chồng nhưng vì sống không ưng thuận nhau rồi lại ly hôn nên sống một mình không con cái, chọn nghề buôn trái cây nuôi thân.

“Nó lấy chồng sớm, chồng chẳng thương yêu gì, không lo làm ăn suốt ngày bài bạc rượu chè còn có bồ nhí nên ly dị nhau. Thấy người ta rủ đi buôn dừa nên đi chứ dạo trước làm nghề may!”, chị Xuân bỏ nhỏ.

 

Trái cây được bày bán để người dân chọn mua

Chị Nguyễn Thị An quê ở Bạc Liêu tâm sự, chợ bán trái cây đủ loại như mít, chuối, dừa tươi, xoài…tất cả đều gốc từ miền Tây lên. Giá bán bao nhiêu chỉ nói một lần không “hô”, ai mua thì lấy chứ không cò kè bớt một thêm hai.

“Nghề nhiều lúc cũng vui buồn, trái cây đem lên cả thuyền bán gặp may thì nhanh hết để lấy chuyến khác. Có khi bán không hết, trái cây chín hỏng hết phải bỏ đi”, chị An nói.

“Thế rồi buôn bán xong, sinh hoạt ăn uống, tắm rửa ở đâu chị?”, chúng tôi hỏi. Chị An trả lời rằng, nhờ người dân ở trên bờ gần chợ. Cứ gần khuya, khi chợ tàn thì tìm đến xin tắm giặt, người dân quen rồi nên cho không lấy tiền. Còn đàn ông cũng làm nghề buôn bán ở chợ thì tìm đến nhà vệ sinh công cộng để tắm giặt.

 

 

Việc buôn bán diễn ra tấp nập lúc chiều tối, đến khuya thì tiểu thương nhờ tắm rửa từ người dân sinh sống ở trên bờ

“Ăn uống thì mình nấu ngay trên thuyền, nấu cơm ăn với mấy con cá, bó rau cho qua ngày. Mùa nắng hay mùa mưa, mọi sinh hoạt đều ở trên chiếc thuyền cả! Tuy chật hẹp nhưng quen rồi”, chị An chia sẻ.

Chúng tôi được biết, nhiều phụ nữ có gia đình buôn bán chỉ đủ sống nên việc đến trường của con cái phải đứt quãng, đi học lớp tình thương. Có chị gửi con cái cho cha mẹ già dưới quê trông để tiện cho việc buôn bán, mỗi lần hết trái cây lại về quê mua rồi thăm con cho đỡ nhớ.

 

Cứ khoảng một tuần trái cây được bán hết thì những phụ nữ là tiểu thương ở chợ nổi lại xuôi thuyền về các tỉnh miền Tây quê nhà mua trái cây để tiếp tục đem lên bán cho người dân Sài Gòn

Đêm khuya. Thành phố lên đèn sáng rực thì trong những chiếc thuyền nhỏ màu đen kịt le lói lên ánh đèn từ chiếc bình ắc quy. Hỏi về ước mơ được lên bờ, kiếm nghề khác sinh sống thì chị Xuân lắc đầu nói: “Sống quen rồi, lên bờ sống bằng nghề gì em! Nay đây mai đó, có khi về quê mình lại làm nghề khác chứ bố mẹ già ở quê, đi đâu cũng thấy nhớ thương!”.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây