Nỗi đau da cam - Nỗi đau không thể nói hết bằng lời!
- Thứ bảy - 13/08/2016 02:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi đã nhiều lần rơi nước mắt khi tiếp xúc, nghe những câu chuyện về cuộc sống đầy bi đát của những gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Càng không thể cầm lòng khi nghe những "nỗi sợ" của những ông bố, bà mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam. Họ sợ một mai khi mình nằm xuống, số phận những người con dị tật sẽ thế nào? Bởi vậy họ khao khát được sống thật lâu để có thể chăm bẵm cho những người con thiệt thòi.
Di chứng kinh hoàng từ chất độc da cam
Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ ngừng rải chất độc hóa học xuống Việt Nam (tháng 4/1971), nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ngày đêm đè nặng, tàn phá nhiều gia đình tại Việt Nam. Quảng Trị là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề của thứ chất độc quái ác này.
Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, toàn tỉnh Quảng Trị có 8.208 hộ có người nhiễm chất độc hóa học, với 15.485 nạn nhân; trong đó hộ có 2 nạn nhân trở lên là 4.965 hộ.
Trong 15.485 nạn nhân mới chỉ có gần 3.000 người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ chất độc da cam, số còn lại mới chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng rất ít ỏi.
Về xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hỏi gia cảnh của vợ chồng ông Trần Văn Trâm, hầu như ai cũng biết. Ông Trâm có 5 người con thì 4 đứa bị nhiễm chất độc hóa học.
Sinh sống ở vùng trọng điểm rải chất độc hóa học của quân đội Mỹ, những đứa con của ông lần lượt sinh ra đều mang trên mình dị tật. Hàng ngày vợ chồng ông Trâm phải chăm bẵm, săn sóc, lo sinh hoạt cá nhân cho những đứa con tật nguyền đáng thương. Ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông luôn trăn trở nếu lỡ sau này cả 2 ông bà mất đi, những đứa con tội nghiệp sẽ không có ai cưu mang, nuôi dưỡng.
Nuốt đắng cay vào lòng, ông Trâm tâm sự: “Ban đầu sinh con ra chúng đều mạnh khỏe nhưng sau đó mới phát hiện bị dị tật mà không hiểu nguyên do. Mãi đến khi các con lớn lên mới biết chúng bị nhiễm chất độc hóa học. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng vợ chồng tui cũng động viên nhau phải cố gắng nuôi con được ngày nào hay ngày đó. Thương con lắm nhưng đã rơi vào tình cảnh này thì cũng phải cố gắng để vượt qua chứ biết cậy nhờ ai được bây giờ”.
Ngược lên vùng Cùa, xã Cam Nghĩa, chứng kiến trường hợp của ông Nguyễn Văn Lộc và bà Lê Thị Mít nhiều người phải rơi nước mắt.
30 năm qua, không quản sớm khuya, 2 phận già cặm cụi chăm sóc cho 2 người con bị chất độc da cam. Thời kỳ kháng chiến, ông Lộc, bà Mít hăng hái tham gia lực lượng dân quân du kích địa phương. Khi trở về đời thường, vợ chồng ông phải chịu đựng nỗi đau quá lớn: Người con trai đầu bị nhiễm chất độc da cam và đã mất khi vừa tròn 4 tuổi. Hai người còn lại là Nguyễn Văn Lanh (SN 1982) và Nguyễn Văn Trường (SN 1988) cũng đang quằn quại trong nỗi đau đớn thể xác và tinh thần.
“Thấy con mỉm cười mình cũng hạnh phúc”
Cũng từng tham gia phục vụ chiến đấu và cũng gánh chịu nỗi đau do ảnh hưởng chất độc da cam, ông Nguyễn Văn Tân (thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa) có con gái là Nguyễn Thị Thùy Linh bị tàn tật. Việc đi lại của Linh khó khăn và phải nhờ cha, mẹ hỗ trợ.
Sinh được 3 người con, dù vất vả nhưng ông Tân cũng cố gắng làm lụng, chăm bón ruộng nương để đảm bảo cuộc sống và nuôi các con khôn lớn. Ông Tân nói: “Hiện kinh tế gia đình không mấy dư dả nhưng cũng tạm đủ sống. So với các nạn nhân khác mình cũng có chút may mắn hơn khi con cái không phải nằm liệt giường. Mỗi ngày được thấy con cười thì vợ chồng tui cũng hạnh phúc lắm rồi. Mình phải biết động viên gia đình để vượt qua nỗi đau chứ không biết làm gì hơn”.
Ông Nguyễn Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Cam Chính cho biết, toàn xã có 27 đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Trong đó có 11 trường hợp nặng và đặc biệt nặng, 16 trường hợp nhẹ cùng hàng chục trường hợp di chứng sang con cái.
Ông Hà cho hay, ngoài các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến được hưởng chế độ chất độc da cam, số còn lại chỉ được hưởng trợ cấp xã hội với số tiền khá ít ỏi, không đủ cho cuộc sống. Trong khi đó, những nạn nhân da cam là những đối tượng đã chịu quá nhiều đau đớn.
Còn tại xã Cam Nghĩa, theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Anh Hai, trong 7 thôn của xã đều có người bị nhiễm chất độc da cam. Hiện toàn xã có gần 400 người đang mang trên mình dị tật, dị dạng, các bệnh về não, mắt… Các thôn như: Phương An, Bảng Sơn, Nghĩa Phong có số lượng nạn nhân nhiều nhất xã. Điển hình là thôn Phương An có tới 30 người bị nhiễm chất độc; trong đó có 4 người nằm liệt giường nhiều năm, với thân xác da bọc xương, dị hình, dị dạng. Tuy nhiên, cả xã mới chỉ có gần 50 người đang hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam…”.
Bạc Liêu: Hơn 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam
Ngày 9/8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2016). Tham dự lễ có lãnh đạo tỉnh và gia đình các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu cho biết, cách đây 55 năm, ngày 10/8/1961, quân đỗi Mỹ đã phun rải chất độc hóa học xuống Việt Nam, gây nên thảm họa da cam hết sức thảm khốc. Chất độc da cam đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.
Riêng tỉnh Bạc Liêu có hơn 10.000 người bị phơi nhiễm, khoảng hơn 6.000 người là nạn nhân chất độc da cam. Tỉnh Bạc Liêu có trên 22% hộ gia đình có từ 3 nạn nhân chất độc da cam trở lên. Đặc biệt, có gia đình bị ảnh hưởng đến cả 3 thế hệ.
“Nỗi đau da cam làm nhiều nạn nhân phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, nhiều trẻ em sinh ra bị dị hình dị dạng, thiểu năng trí tuệ, sống đời sống thực vật, không có khả năng lao động, không có tương lai. Nhiều gia đình phải sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn về kinh tế”, lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.
Như gia đình ông Ngô Văn Dẫu tại ấp Thông Lưu B (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), ngoài ông Dẫu còn có 7 người con và 2 cháu ngoại đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Gia đình rất nghèo, không đất đai sản xuất, mọi cuộc sống mưu sinh đều dựa chủ yếu vào tiền trợ cấp và việc làm thuê làm mướn của bà Mai Thị Rách (vợ ông Dẫu) và người con trai út lúc tỉnh, lúc ngơ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Minh Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho hay, thời gian qua, các cấp các ngành của tỉnh Bạc Liêu, trong đó có Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam.
Từ năm 2008 đến năm 2016, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã vận động từ nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh số tiền hơn 8,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được tỉnh dùng vào việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ổn định cuộc sống như xây nhà, tặng phương tiện hỗ trợ sản xuất, tặng xe lăn, quà vào các dịp lễ, tết,…
“Từ sự giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần nói trên, các nạn nhân chất độc da cam phần nào được tiếp thêm nghị lực, vượt qua bệnh tật, phấn đấu vươn lên chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, cá nhân là gia đình các nạn nhân chất độc da cam và các mạnh thường quân đã có nhiều đóng góp trong việc chăm lo gia đình các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
H.H
Đăng Đức