Nợ đọng xây dựng nông thôn mới tới 15.000 tỷ đồng
- Thứ năm - 06/10/2016 01:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng nông thôn mới là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, cả nước nợ hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng hơn 3.600 xã có nợ, trong đó 147 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì phải xử lý thế nào. “Nếu kiến nghị ngân sách nhà nước có nguồn trái phiếu hay nguồn cho đầu tư công lại ưu tiên giải quyết trả nợ thì sẽ bất công với những xã khác. Nếu thế thì sẽ thành phong trào cứ vay nợ để đầu tư rồi sẽ được ưu tiên giải quyết nợ", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình giám sát, làm việc với kiểm toán, vấn đề trên đã được đặt ra. "Chúng tôi rất băn khoăn là làm sao giải quyết được khoản nợ hơn 15.000 tỷ đồng. Các địa phương cũng nói sẽ sử dụng quỹ đất, sau này sẽ đấu giá, trả nợ...", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nợ xây dựng nông thôn mới cũng là nợ công, do đó đề nghị Bộ Tài chính trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình nợ công cần phân tích kỹ hơn về khoản này.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đến giờ đã huy động một triệu tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới, nợ đọng hơn 15.000 tỷ đồng không phải là lớn, nhưng tập trung ở một số xã và địa phương. Trong một triệu tỷ đồng thì nhà nước hỗ trợ 44%, còn lại là địa phương.
Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết, số nợ trên do nhiều nơi muốn nhanh để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng thực ra tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân mới là mục tiêu cốt lõi của chủ trương xây dựng nông thôn mới. Rút kinh nghiệm 5 năm qua, Bộ đã thiết kế lại khung 19 tiêu chí theo 2 nhóm cứng và mềm. Trong đó phần cứng là thu nhập của nông dân ở nông thôn, miền núi; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên diện rộng; môi trường; trật tự an toàn.
Phần mềm là các tiêu chí như: điện, trường, đường, trạm thì căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng huy động của địa phương, và giao cho người đứng đầu địa phương ban hành để phù hợp. Ví dụ vùng núi thì không nhất thiết đường phải rộng 3 m, nhưng vùng ven đô thì đường phải rộng...
Xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội, nợ 35 tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản của nhiệm kỳ trước bàn giao. Ảnh: Võ Hải. |
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại hội nghị đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới do Chính phủ tổ chức mấy hôm trước, ông nghe số tiền nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới là 17.000 tỷ chứ không phải 15.000 tỷ như báo cáo hôm nay. “Con số nào là đúng, đề nghị xem lại”, ông Lưu đề xuất.
Trong báo cáo giám sát có đề nghị từ nay đến 2017 phải giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ông Lưu cho rằng yêu cầu trên khó khả thi vì có đến trên 40% số xã nợ xây dựng cơ bản, bình quân mỗi xã nợ 4,2 tỷ, có những xã nợ 30-40 tỷ, lấy tiền đâu để giải quyết hết nợ. Một số địa phương dựa vào nguồn vốn từ huy động sức dân. Do đó "có những xã chia bình quân, huy động từ đứa trẻ mới sinh, người tàn tật, người cô đơn… cũng phải đóng một suất đinh để xây dựng nông thôn mới, làm xã hội nặng nề”.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến tháng 9/2016, có 2.045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%); đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. |
Võ Hải