Nhịp sống sát bên đường tàu trong lòng Hà Nội
- Thứ năm - 20/10/2016 11:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuyến đường sắt phía Bắc do Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, đến nay đã tồn tại hơn 100 năm, trong đó rất nhiều đoạn chạy xuyên qua các khu đân cư trung tâm của Hà Nội. Trong ảnh là đoạn đường tại Ga Long Biên chạy dọc theo phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm) là khu vực buôn bán đông đúc.
Các ngôi nhà nằm sát đường ray có cửa hướng thẳng ra đường tàu, nhưng cũng có nhiều nhà chỉ là cửa phụ, còn cửa chính đi theo lối phố Lý Nam Đế hoặc Phùng Hưng. Có đường tàu chạy qua nhưng mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường.
Ở đoạn đường tàu qua phố Phùng Hưng có khá nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ người lao động. Đối với họ, đường ray như một lợi thế về không gian chứ không gây khó chịu.
Ở phố Phùng Hưng và phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm), đường tàu chạy dọc theo phố, một bên là nhà ở, một bên là đường đi. Nhưng cũng tại phố Phùng Hưng có đoạn đường tàu chạy xuyên giữa khu dân cư trong không gian nhỏ hẹp.
Tại khu dân cư sát đường tàu trên phố Phùng Hưng, người dân làm cầu gỗ để có thể đi qua đường ray.
Ở nhiều vị trí, người dân làm cầu thang gỗ tạm bợ để lên xuống hành lang đường sắt, trước khi có thể đi vào nhà. Không có hàng rào an toàn giữa nhà và đường ray tàu hỏa, người dân ở đây đều có thói quen nhớ giờ tàu chạy và nhạy cảm với tiếng còi tàu từ xa.
Ban ngày, mật độ các chuyến tàu ít hơn buổi tối và đêm, nên sinh hoạt của người dân cũng thoải mái hơn.
Tại một vị trí trên phố Phùng Hưng, vào buổi sáng và buổi chiều, đường ray tàu hỏa giống như một không gian sinh hoạt cộng đồng.
Một đoạn đường tàu len lỏi qua khu dân cư ở khoảng cách rất gần.
Đoạn đường chạy trên cao (bên trái) qua phố Gầm Cầu sát nhà dân, khoảng cách chưa đầy 2m. Đoạn phố này là nơi buôn bán giầy dép, cốc chén, bát đĩa... rất nhộn nhịp
Đoàn tàu đỗ tại Ga Long Biên. Nhà ga này và Ga Hà Nội đều nằm sâu trong lòng phố trung tâm Thủ đô.
Khoảng cách của đường sắt trên cầu Long Biên với mặt đường phố Trần Quang Khải chỉ khoảng 3m. Đây là đoạn đường sắt cuối cùng trong khu phố cổ trước khi tàu vượt sông Hồng hướng lên các tỉnh phía Bắc.
Hữu Nghị