Nhiều trường Sài Gòn lúng túng vì lại được dạy thêm
- Thứ năm - 13/10/2016 12:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khẳng định TP HCM tháo bỏ lệnh cấm, tiếp tục cho phép dạy thêm, học thêm trong trường là chủ trương đúng, song hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành nói rằng, Sở Giáo dục cần có hướng dẫn chi tiết để các trường thực hiện. Bởi việc xác định học sinh có "tự nguyện học thêm" hay không là bất khả thi.
"Nhiều em học thêm vì có nhu cầu củng cố kiến thức nhưng cũng có em đi học chỉ vì sợ giáo viên đứng lớp. Nỗi e ngại của các em chẳng thể nói ra nên ranh giới giữa tự nguyện và bị 'ép buộc tự nguyện' rất mong manh", ông bày tỏ.
Hiệu trưởng này kể, ở những buổi họp phụ huynh những năm trước, trường đều lên danh sách học sinh có nhu cầu học thêm để phụ huynh biểu quyết. "Đây có thể gọi là căn cứ hành chính cho sự tự nguyện. Nhưng với số ít phụ huynh không đồng ý thì sao? Rất khó để xác định cơ sở tự nguyện này", ông trăn trở.
Học sinh THCS tại TP HCM trong một lễ chào cờ. Ảnh: Mạnh Tùng
Đồng quan điểm, giáo viên của nhiều trường khác cũng tỏ ra băn khoăn về quy định "tổ chức dạy thêm trên cơ sở tự nguyện của học sinh". Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 11 nói: "Xưa nay việc học thêm vẫn là sự tự nguyện của học sinh, tiêu cực xảy ra bởi những trường hợp cá biệt o ép học sinh đi học. Nếu chủ trương trên được thực hiện thì chúng ta sẽ đi theo vết xe cũ, vì mới nêu ra được nguyên nhân chung mà không có giải pháp nào hữu hiệu".
Chưa kể những khó khăn phát sinh bởi từ lệnh cấm dạy thêm trong trường, nhiều nơi đã lên kế hoạch dạy 2 buổi mỗi ngày để học sinh có thêm kiến thức. "Bây giờ thành phố lại cho phép dạy thêm trong trường khiến chúng tôi trở tay không kịp vì kế hoạch bị đảo lộn", hiệu trưởng này nói.
Khẳng định TP HCM quy định cho dạy thêm trong trường với khái niệm "tự nguyện" sẽ gây khó cho các trường, thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM) - người nhiều năm nghiên cứu vấn đề dạy thêm, học thêm - cho rằng, nhu cầu học thêm của học sinh ở từng quận, huyện trong thành phố là khác nhau.
Ông nêu thí dụ, với một số trường THPT top trên ở trung tâm thì mục tiêu của học sinh không còn là "đậu đại học" mà cao hơn thế là du học, hay sự thành công trong công việc sau này. Trong khi đó, với học sinh ở một số trường ngoại thành còn nhiều khó khăn thì mục tiêu của các em chỉ là tốt nghiệp hoặc đậu vào trường nghề.
"Do đó, sự tự nguyện học thêm của học sinh phải căn cứ vào mục tiêu của từng em nên khó để xác định khái niệm mang tính hình thức này", chuyên gia phân tích.
Học sinh lớp 12 tại TP HCM trong một lớp phụ đạo. Ảnh: Mạnh Tùng
Bằng kinh nghiệm quản lý việc dạy thêm trong trường, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) chia sẻ, "sự tự nguyện" của học sinh phải bao hàm việc các em có quyền tự chọn môn học thêm và người dạy thêm.
Để tránh lặp lại những hành vi tiêu cực, o ép học sinh học thêm như trước đây, việc ra đề bài kiểm tra các môn phải tập trung về một đầu mối. Học sinh toàn trường sẽ thi cùng đề, bài kiểm tra, bài thi phải được rọc phách chấm nghiêm túc.
"Ngoài ra, hiệu trưởng sẽ thường xuyên kiểm tra sổ điểm của giáo viên bộ môn. Nếu các bài kiểm tra ở lớp và các bài kiểm tra một tiết, bài thi có sự chênh lệch thì cần đặt dấu hỏi. Hội đồng sư phạm cũng cần lắng nghe và nhắc nhở giáo viên thường xuyên", bà Chương nói.
Trước đó, ngày 10/10, trong thông báo về Công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Thành ủy TP HCM cho phép các trường được dạy thêm, song hoạt động này phải dựa trên sự tự nguyện của học sinh. Các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm và nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng nhà trường quyết định.
Mạnh Tùng