Nhiều người trắng tay vì lũ "nhanh không kịp chạy"
- Thứ hai - 17/10/2016 12:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 16/10, nước lũ đã rút khỏi xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tranh thủ lúc trời hửng nắng, cụ Lương Sơn Trọng (80 tuổi) cùng vợ Trần Thị Bả (76 tuổi, thôn Sỏi) ra sau nhà chặt những cây chuối bị lũ quật đổ về băm cho đàn trâu. "May nước rút, chứ hai ông mệ còn sức mô mà chịu", cụ Bả nói.
Xã Văn Hóa một bên giáp sông Gianh, một bên tựa vào núi, khoảng 18h ngày 14/6 nước lũ từ sông đổ về. Từng trải qua rất nhiều cơn lũ từ dòng sông lớn nhất Quảng Bình, nhưng chưa năm nào cụ Trọng thấy lũ lên nhanh như vậy. Chỉ trong 6 tiếng, nước đã dâng ngập đường 4 m và tràn vào nhà cụ.
Cụ Trọng bên đàn trâu may mắn thoát chết sau cơn lũ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Con cái đều đi làm ăn xa, chỉ còn hai ông bà chống chọi. Gia tài có 4 con trâu, cụ Trọng tính đưa lên rừng như những đợt lũ trước, nhưng thương nghé con mới được 4 ngày tuổi, cụ dắt hết vào nhà. Nước dâng nhanh, cụ Trọng dắt bò lên giường, riêng con nghé được đặt nằm trên bàn tiếp khách.
Nửa đêm nước ngập tới 1,3 m, cụ Trọng lo tìm mấy gói mì tôm đã mua dự trữ từ mấy ngày trước để lót dạ. "Lũ lên cao thế, còn củi, còn nồi đâu mà nấu, ông mệ phải ăn mì tôm sống trừ bữa. Mỗi bữa chỉ ăn được nửa gói vì khô quá. Ăn hết 2 gói mì thì nước rút", cụ Trọng kể và cho biết do nhà đã được tôn nền cao, nên dù đàn trâu phải ngâm nước mưa vẫn thoát nạn.
Không may mắn như nhà cụ Trọng, sau lũ gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (51 tuổi, thôn Đình Miệu, xã Văn Hóa) phải xẻ thịt con bò nặng 140 kg bán cho người trong làng. Đêm 14/10 nước lũ lên, ông Toàn đang theo công trình cầu đường nên vắng nhà. Con bò duy nhất được vợ ông đưa vào nhà vì sợ lũ cuốn.
"Vợ tôi kể do nước lên nhanh quá, ngập nhà đến 1,7 m, con bò sau một hồi vùng vẫy đã kiệt sức mà chết", ông Toàn kể. Xác bò được gia đình giữ lại trong nhà, chờ khi nước rút thì nhờ vài người đến xẻ thịt mang bán rẻ. Ban đầu ông bán được 150.000 đồng/kg, sau hạ xuống 100.000 đồng/kg vẫn còn ế hơn 80 kg phải đưa đi tiêu hủy.
Người nhà ông Toàn xẻ thịt bò mang đi bán rẻ với giá chỉ từ 100 đến 150 ngàn đồng một kg. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Con bò lúc trước tôi mua 15 triệu, nuôi nấng mãi, hôm rồi có người trả 32 triệu nhưng không bán. Bây giờ lũ lên, bò chết, xẻ thịt cũng chỉ vớt vát được hơn 8 triệu đồng", ông Toàn buồn rầu nói. Ở huyện Tuyên Hóa, hàng trăm gia đình bị trôi mất trâu bò, hay phải xẻ thịt ăn, bán rẻ.
Bần thần nhìn tài sản trôi hết theo dòng lũ, ông Lương Ngọc Phương (59 tuổi) nói: "Mất sạch rồi, chỉ giữ được chiếc áo len mặc giữ ấm mấy hôm nay thôi". Nhà ông Phương tựa lưng vào núi Đình Đó, nồi niêu bị cuốn trôi, ông nghĩ ra cách bắc hai viên gạch và dùng một miếng sắt mỏng bỏ lên đun nấu thức ăn khi lũ vừa rút. "Cơn lũ này lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn đỉnh lũ năm 2007 chừng 20 cm", ông Phương nói.
Cô giáo Lê Thị Nhàn (trường mầm non xã Văn Hóa) kể đã trải qua những giây phút căng thẳng khi phải chạy lũ suốt đêm. Sau khi đưa hết 7 con chó và đàn lợn lên cái tra (gác nhỏ đặt sát nóc nhà), vợ chồng cô đưa con trai lớn 9 tuổi và con gái nhỏ 4 tuổi lên ở cùng đàn gia súc. "Tôi loay hoay ở dưới dọn dẹp, dọn đến đâu nước lũ lên đến đó, chỉ lo con gái nhỏ rơi từ trên tra xuống thì đêm tối không biết mần răng", cô Nhàn thuật lại.
Nghe lời mẹ dặn, cậu anh Cao Huy Hoàng cố giữ em trong lòng. "Đêm đó tôi đâu ngủ được. Cái tra nhỏ chất bao nhiêu đồ đạc, mỗi người chỉ còn vừa một chỗ ngồi khom lưng. Xót nhất là chiếc xe máy, tài sản vợ chồng tôi dành dụm mới mua được bị ngâm trong nước", cô Nhàn kể.
Ông Phương cho biết lũ lên cao quá đầu người, phải ăn mì tôm cầm hơi chờ nước rút. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sáng 16/10, người dân thôn Hà Lời xã Sơn Trạch (Bố Trạch) đã lội dòng nước lũ đưa tang bé Nguyễn Gia Bảo (4 tuổi). Bảo bị chết đuối khi nước lũ đã rút, bước hụt chân xuống bậc thềm. Cũng ở xã Sơn Trạch, người Vân Kiều đang lo tang lễ cho em Hồ Thị Long (học sinh lớp 8, trú bản Rào Con) bị lũ cuốn khi đi qua khe suối về nhà.
Anh Lê Văn Điệp, Bí thư đoàn xã Sơn Trạch, người được biết đến là "anh hùng sông Son" khi chèo thuyền cứu hơn 180 người trong cơn lũ năm 2010, cho biết năm nay nước về sông Son thấp hơn năm 2010 chừng một mét. Trận lũ 6 năm trước, không ai ở Sơn Trạch thiệt mạng, còn năm nay dù nhà cửa đã kiên cố nhưng do có phần chủ quan nên hai gia đình phải đeo tang.
Tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy), hàng chục nghìn con gia cầm bị trôi, chết. Ông Hoàng Văn Nam (47 tuổi) nhìn hàng nghìn con gà không kịp di dời, chết như ngả rạ mà xót xa. Hôm qua, ông Nam phải mượn thuyền của hàng xóm để chở bớt số gà chết đi vứt, nhằm đảm bảo môi trường.
“Đầu tư cả trăm triệu cho trang trại, giờ gà chết, gia sản trôi hết ra đồng, người cũng không thèm ăn uống gì”, ông Nam nói.
Đến trưa nay, nhiều người dân ở Lệ Thủy phải lội nước lũ đi mua thêm mì tôm, nước sạch về dùng. Đồ ăn và nước uống là hai thứ đang khan hiếm. Ông Hoàng Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Phú Thủy cho hay, nước từ sông Kiến Giang lên bất ngờ khiến nhiều người không kịp trở tay, mất trắng tài sản. Cả xã có 40.000 gia cầm bị trôi, chết, 40 ha ao cá thiệt hại.
"Đời sống bà con chỉ còn một từ "cực" thôi, đành nỗ lực làm lại sau lũ", ông Tứ nói.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, từ đêm 13/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình với tổng lượng mưa đo được trong 24 giờ lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc tỉnh này. Mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Từ chiều qua đến nay, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Thống kê đến chiều 16/10, có 24 người chết, 9 người mất tích do mưa lũ. Riêng Quảng Bình có 18 người chết, 7 người mất tích. |