Nhiều công trình kiến trúc chứng nhân cho nền văn hóa Chăm Pa trên đất Huế như Thành Lồi, tháp đôi Liễu Cốc..., đang hoang phế theo thời gian.
Nói đến văn hóa Chăm Pa trên đất Huế, nhiều người sẽ nghĩ đến lũy thành đất với tên gọi Thành Lồi. Theo Đại Nam Nhất thống chí, Thành Lồi là công trình kiến trúc cổ nằm trên đồi Long Thọ, nay thuộc hai phường Thủy Xuân và Thủy Biều (TP Huế). Thành được đắp bởi 2 lớp đất, kè đá và gạch vỡ, một số đoạn đắp thêm lớp đất trên mặt. Tháng 12/2014, di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia.
|
Di tích Thành Lồi cỏ hoang mọc đầy. ảnh: Võ Thạnh. |
Trải qua thời gian dài, di tích này đang dần hoang phế. Hệ thống lũy thành bằng đất ngày nào giờ chỉ là nơi cỏ hoang mọc, người dân lấn chiếm làm nơi chôn cất mồ mả.
Tọa lạc tại làng Liễu Cốc Thượng, (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng trên một triền dốc tự nhiên gồm tháp lớn và tháp nhỏ. Tháp lớn có chiều cao khoảng 4m, tường tháp dày 1,6 m, diện tích lòng tháp khoảng 9 m2.
Bên trong tháp còn lưu giữ một đoạn vòm cuốn gạch của đỉnh tháp, đây là nét đặc trưng kết cấu thể hiện trong các công trình kiến trúc - văn hóa tôn giáo Chăm. Tháp nhỏ hoàn toàn giống tháp lớn về chất liệu cũng như kĩ thuật xây dựng, nhưng diện tích lòng tháp chỉ rộng chừng 7 m2.
|
Tháp đôi Liễu Cốc đang dần hoang phế. ảnh: Võ Thạnh |
Năm 1997, di tích này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tháp đôi Liễu Cốc trong tình trạng cây cỏ mọc um tùm che hết cả lối đi. Bên cạnh hai di tích Thành Lồi, tháp đôi Liễu Cốc, tại chùa Ưu Đàm (xã Phong Hòa, Phong Điền) có
13 hiện vật điêu khắc Chăm Pa đang được thờ tự, trong đó có một Yony hình vuông, một Linga hình khối. |
Di tích tháp Chăm Mỹ Khánh llà di tích Chăm Pa đầu tiên ở Huế được tu bổ, bảo vệ. ảnh: Võ Thạnh. |
Trong các di tích Chăm Pa được phát hiện trên đất Huế, tháp Chăm Mỹ Khánh tọa lạc tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang) được xem là công trình kiến trúc còn nguyên vẹn và được bảo vệ tốt nhất. Tháp có 1 bệ thờ lộ thiên và 4 cửa với kiến trúc hình chữ nhật, dài 8,22 m, rộng 7,12 m, giật cấp thu nhỏ dần thân tháp phía trên, thuộc dạng tháp Lùn. Để bảo vệ nguyên vẹn ngôi tháp Chăm Mỹ Khánh, năm 2005, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế (đơn vị quản lý di tích Chăm Pa) đã làm hệ thống nhà kính che chắn, tường đá bao quanh trên diện tích hơn 1000 m2 để chống xói mòn, cát vùi. |
Tháp Chăm Mỹ Khánh, một trong những di tích Chăm Pa được quản lý, bảo vệ tốt nhất. ảnh: Võ Thạnh |
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế cho biết,
theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ tháng 9-12 năm nay, Sở Văn hóa sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành lập kế hoạch khảo sát, đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật văn hóa Chăm Pa trên địa bàn.Võ Thạnh