Người miền Tây ngóng lũ
- Thứ hai - 15/08/2016 22:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày nào cũng ra con kênh trước nhà ngóng lũ, lão nông Nguyễn Văn Út (70 tuổi, huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp) buồn bã nói: "Gia đình tôi mấy đời sống ở xứ này, chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước lũ kém như hai năm nay".
Theo ông Út, nước không về thì dân địa phương chẳng nuôi cá, tôm, trồng rau được; sản vật mùa lũ như ếch, nhái, rắn, bông súng, điên điển... cũng nghèo nàn. "Năm ngoái, lúc này dù lũ rất nhỏ nhưng người dân cũng bắt ốc, cua, hái rau, nuôi ếch… kiếm sống tạm được", ông Út nhớ lại.
Mùa lũ là cơ hội mưu sinh của rất nhiều người dân miền Tây, nhưng hai năm nay hầu như không có lũ. Ảnh: Gia Bảo |
Ngư dân Nguyễn Bá Hùng (38 tuổi, huyện An Phú, An Giang) có thâm niên 18 năm hành nghề đáy cá trên sông Bình Di (nhánh đầu nguồn sông Hậu) cũng lần đầu tiên chứng kiến tình cảnh giữa tháng 8 mà lũ chưa về. "Năm ngoái, nước lũ về kém lắm nhưng 4 miệng đáy của gia đình tôi mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm đến vài triệu đồng, sau khi trừ chi phí; còn nay, 4 miệng đáy vẫn treo trên giàn", anh Hùng than vãn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long hiện rất thấp. Trên sông Tiền, tại Tân Châu mực nước cao nhất chỉ 1,36 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,20 m; thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 40-50 cm. "Đến nay, chưa có dấu hiệu gì báo lũ về vùng đầu nguồn", ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, nói.
Ông Nguyễn Văn Buông - Phó phòng Nông nghiêp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc lũ không về khiến đất nông nghiệp không được bồi đắp phù sa, không có nước vệ sinh đồng ruộng. Bà con sẽ tốn nhiều chi phí phân bón, thuốc trừ sâu... khi vào vụ lúa mới.
Còn ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (người khởi sự đề án khai thác lợi thế mùa nước nổi phát triển kinh tế từ năm 2001, sau đó nhiều địa phương khác trong vùng làm theo) cho rằng việc không còn lũ là "một tổn thất và mối đe dọa rất lớn cho miền Tây".
Trước đây, hoạt động sản xuất mùa nước nổi ở hai địa phương đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp đã tạo ra giá trị hơn 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần cả triệu lao động địa phương trong 3-4 tháng mùa lũ. Nhưng hai năm nay, lũ không có, hiệu quả của các mô hình sản xuất mùa nước nổi giảm mạnh.
Người khởi xướng chương trình "mưu sinh mùa lũ" ở miền Tây lo ngại, tổn thất do lũ không về trước mắt rất lớn, đặc biệt là chuyện sản xuất lúa, hoa màu, thủy sản gặp nhiều khó khăn, đội chi phí nhiều lần. Hàng triệu người dân mất đi nguồn sinh kế…
Theo ông Nhị, do biến đổi khí hậu và các nước đầu nguồn sông Mekong xây ngày càng nhiều đập thủy điện trên dòng chính và các nhánh (kể cả Việt Nam) làm cho lưu lượng nước về hạ nguồn ngày càng ít. Gần đây, việc Thái Lan thực hiện dự án chia 50% nước sông Mekong phục vụ tưới tiêu 5 triệu ha đất nông nghiệp là vô cùng quan ngại.
"Ngay cả biển hồ ở Campuchia cũng có thể không còn nước, nói chi là Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không còn lũ thì chúng ta phải sống chung với mặn xâm nhập ngày càng khốc liệt hơn", ông Nhị nói.
Cá linh, một đặc sản mùa lũ miền Tây ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Cửu Long |
Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), lũ chưa về vì mùa mưa năm nay có thay đổi. Thứ nhất, mưa tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến nước xả thẳng ra biển. Thứ hai, các trận bão không đi vào miền Trung mà chạy lên tuốt phía Bắc và Trung Quốc. "Trong khi vùng hạ Lào và miền Trung có vai trò quan trọng đưa lũ về miền Tây nhưng nay lại không có nước", tiến sĩ Tuấn nói.
Cửu Long