Người dân tìm thông tin "xe công thanh lý" ở đâu?
- Thứ sáu - 24/03/2017 11:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quy trình đưa ô tô ra thanh lý, đấu giá
Theo quy định, với ô tô công, nếu xe dư thừa sẽ được đưa ra bán đấu giá, xe hết niên hạn sử dụng sẽ được thực hiện bán thanh lý. Xe dư thừa là xe còn giá trị sử dụng nhưng không còn nhu cầu sử dụng. Xe thanh lý với điều kiện đã sử dụng 15 năm (tỷ lệ hao mòn tài sản 6,67%), hoặc đã đi 250.000km (khu vực miền núi là 200.000km).
Theo Nghị định 52/2009, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Quy trình thanh lý tài sản nhà nước (trong đó có ô tô công) được quy định như sau:
Sau khi xe ô tô công đủ đều kiện thanh lý, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định, hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán thanh lý. Việc thanh lý được thực hiện qua bán đấu giá.
Cơ quan nhà nước sử dụng ô tô đã hết niên hạn sử dụng sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh lý gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thanh lý. Trong thời hạn 30 ngày từ ngày có quyết định thanh lý, cơ quan nhà nước có ô tô thanh lý tổ chức thanh lý.
Sau đó, cơ quan nhà nước có ô tô sẽ thành lập Hội đồng xác định giá khởi điểm, hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm. Giá khởi điểm phải phù hợp với giá thị trường của ô tô cùng loại.
Khi xác định được giá, cơ quan sử dụng ô tô công sẽ thuê trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc các doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản để bán đấu giá. Nếu có nhiều tổ chức có chức năng bán đấu giá thì phải thực hiện đấu thầu.
Theo Nghị định 17/2010, về bán đấu giá tài sản, sau khi cơ quan cơ quan nhà nước có ô tô ký hợp đồng với đơn vị bán đấu giá, đơn vị bán đấu giá phải niêm yết thông tin bán đấu giá ô tô tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá.
Với ô tô công có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên ngoài niêm yết như trên, đơn vị bán đấu giá phải thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện chậm nhất 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá.
Người có nhu cầu mua ô tô có thể xem thông tin về đấu giá tài sản trên báo chí, hoặc website cơ quan bán xe ô tô, đơn vị tổ chức đấu giá hoặc cơ quan quản lý tài sản nhà nước ở trung ương và địa phương.
Thông tin niêm yết công khai gồm tên đơn vị bán đấu giá; thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản; số lượng, chất lượng; giá khởi điểm; địa điểm, thời hạn trưng bày ô tô; địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ; địa điểm, thời hạn đăng ký mua; và thông tin khác liên quan tới tài sản.
Người được mua ô tô thanh lý
Mọi cá nhân, tổ chức đủ điều kiện đểu được tham gia đấu giá mua ô tô công bán đấu giá. Người tham gia đấu giá phải nộp phí và tiền đặt cọc. Tiền đặt cọc tối thiểu là 1%, tối đa không quá 15% giá khởi điểm, do tổ chức đấu giá quy định.
Sau khi các công đoạn trên đã được thực hiện, đơn vị tổ chức đấu giá ô tô có thể lựa chọn hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, bỏ phiếu hoặc hình thức khác.
Cuộc bán đấu giá ô tô công phải được tiến hành liên tục theo trình tự sau: Đấu giá viên giới thiệu, thông báo nội quy, danh sách người đăng ký mua, sản phẩm bán, giá khởi điểm, các bước giá, thời gian trả giá, trả lời thắc mắc. Sau đó, đấu giá viện thực hiện thông báo và ghi nhận trả giá. Nếu sau 3 lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã trả mà không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên công bố người mua được tài sản bán đấu giá.
Trong trường hợp giá cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá tài sản coi như không thành.
Toàn bộ quá trình đấu giá được ghi biên bản, nhật ký… để phục vụ kiểm tra.
Sau khi đấu giá thành công, người mua và người bán sẽ thực hiện ký hợp đồng, thanh toán tiền và chuyển giao xe.