Người dân bất an trước nguy cơ cháy nổ tại các chung cư cao tầng
- Chủ nhật - 14/08/2016 21:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cư ngụ ở chung cư, nhà cao tầng là một xu thế tất yếu tại các đô thị lớn, nơi có mật độ dân cư đông đúc. Bên cạnh những tiêu chí về an toàn, tiện nghi thì việc đảm bảo tốt vấn đề PCCC luôn là nhiệm vụ cấp bách mà các chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thực hiện.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc đảm bảo an toàn cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TPHCM hiện nay vẫn đang bị xem nhẹ.
Điển hình như vụ hỏa hoạn mới đây tại chung cư Hoàng Quân đường Nguyễn Văn Linh (xã An phú Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM) vào đêm 15/7 là một minh chứng rõ nét.
Mặc dù vụ cháy trên không gây thiệt hại về người nhưng qua đó đã khiến cơ quan quản lý Nhà nước phải “giật mình” khi biết chung cư này vẫn chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân vẫn liều mình đưa dân vào ở được hơn 4 tháng.
Đến thời điểm hiện tại, cư dân đã dọn vào ở gần kín hết các căn hộ, thế nên, việc cưỡng chế, di dời cư dân ra khỏi tòa nhà là điều khó có thể thực hiện.
Điều mà chủ đầu tư cần làm lúc này là khẩn trương hoàn thiện hệ thống PCCC để đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân chứ không phải “nhắm mắt làm liều”, xem thường tính mạng người dân.
Theo khảo sát của PV Dân trí, tại các chung cư cao tầng khác trên địa bàn TPHCM, công tác PCCC vẫn đang bị xem nhẹ.
Ghi nhận tại lô G chung cư Hùng Vương, đường Tản Đà (phường 11, quận 5), hệ thống báo cháy tự động tại đây không được lắp đặt và nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ thì sẽ có nguy cơ cháy lan, cháy lớn.
Chị Lan Anh, người dân sống trong chung cư này cho biết, hầu như cư dân ở đây không hề biết sử dụng thiết bị chữa cháy như thế nào. “Cư dân đã nhiều lần phản ánh với Ban quản lý chung cư về vấn đề an toàn PCCC nhưng vẫn không được xem xét giải quyết”, chị Anh bức xúc.
Đại diện UBND phường 11, quận 5 cho biết, đơn vị cũng đã nhiều lần mời Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 đến khảo sát để báo giá lắp đặt hệ thống báo cháy tự động cho chung cư lô G Hùng Vương, tuy nhiên số tiền vượt quá khả năng của Ban quản lý chung cư. “Hiện UBND phường 11 đang xem xét để báo cáo lên UBND quận 5 nhằm xin ý kiến, cũng như hướng xử lý”, vị đại diện này nói.
Tương tự, chung cư Bắc Bình đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) do công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 8 làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng 4 năm nay. Thế nhưng, hệ thống PCCC của tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu.
Lo sợ vấn đề cháy nổ, cư dân đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên cấp trên nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì, xem thường tính mạng của người dân.
Được biết, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh là đơn vị quản lý địa bàn, cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt và buộc chủ đầu tư phải khắc phục tình trạng mất an toàn cháy nổ tại chung cư Bắc Bình nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.
Đại tá Trần Thanh Châu - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, hiện tại trên địa bàn TPHCM có khoảng 645 chung cư, nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) nhiều chung cư, nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC đặc biệt là các chung cư được xây dựng trước năm 1975 và trước khi quy định về PCCC có hiệu lực.
Ngoài ra, hiện tại có nhiều chung cư xây dựng xong, nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC mà vẫn cho hơn 3.000 người dân vào ở, như: Chung cư Hùng Vương (quận 5), Chung cư Khang Gia (quận Tân Phú), Chung cư Bắc Bình (quận Bình Thạnh), Chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân)… gây nguy hiểm cho người dân. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, đối với các công trình chung cư cao tầng khi chưa được nghiệm thu về PCCC mà chủ đầu tư vẫn cố tình đưa dân vào ở là vi phạm. Với các trường hợp này, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ kiên quyết báo cáo cho lãnh đạo thành phố để xử lý nghiêm theo quy định.
Để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ tại chung cư, hơn bao giờ hết, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM phải có sự phối hợp, nắm bắt tình hình để kịp thời đưa ra những phương án xử lý mang tính răn đe đối với những tòa nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình, phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng quy định thì mới cấp phép và đồng ý cho chủ đầu tư bán căn hộ cho dân.
Đừng để đến khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản rồi mới quy trách nhiệm thì đã quá muộn màng.
Đình Thảo