Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Người cưu mang những hoàn cảnh đặc biệt, cho học nghề ăn ở miễn phí

Người cưu mang những hoàn cảnh đặc biệt, cho học nghề ăn ở miễn phí
Không máu mủ tình thân, vậy mà hơn 10 năm qua anh Lê Quang Hợp, 41 tuổi, ngụ thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã cưu mang, giúp đỡ hơn 60 thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt ngay chính trong căn nhà nhỏ cấp 4 của mình.

Thương nên cưu mang người khó khăn

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm mộc mỹ nghệ, từ nhỏ anh Hợp đã thừa hưởng những kỹ năng tay nghề từ người cha của mình. Đến tuổi trưởng thành, anh tham gia quân ngũ đóng quân ở Sư đoàn 320, tỉnh Gia Lai. Được tạo điều kiện để ở lại phục vụ trong quân đội lâu dài nhưng anh Hợp lại quyết định về quê chỉ với suy nghĩ “mình là con một nên phải về quê cáng đáng cuộc sống gia đình”.

Phục viên quân ngũ về địa phương, anh Hợp bắt tay vào làm kinh tế với xưởng làm mộc chuyên sản xuất những đồ dùng từ gỗ. Do chưa có kinh nghiệm làm kinh tế nên xưởng mộc của anh Hợp bị phá sản và số tiền nợ ngân hàng lên đến 50 triệu đồng.

 

Hơn 10 năm qua, anh Hợp  cưu mang nhiều thanh niên hư hỏng, khuyết tật vào học nghề ăn ở miễn phí

Không nản chí, anh Hợp lặn lội vào đến tận Đồng Nai học tiếp nghề chạm khắc. Sau 1 năm với vốn liếng kinh nghiệm trong tay, năm 2005, anh Hợp về quê mở tiệm chạm khắc mộc mỹ nghệ.

“Thấy nhiều thanh niên trong làng thất học, không có việc ngày ngày lêu lổng theo đám bạn uống rượu rồi gây rối trật tự công cộng. Tìm hiểu hoàn cảnh thì thấy gia đình đứa nào cũng khó khăn, nhiều đứa mồ côi bố mẹ sớm nên thiếu sự quan tâm từ phía gia đình. Tôi thấy vừa giận vừa thương chúng”, anh Hợp kể.

Thế rồi anh đi vận động những thanh niên lêu lổng không có việc làm tập hợp tổ chức đào tạo nghề mộc mỹ nghệ. Ngày mới nhận 5 học trò đầu tiên, những tính cách bốc đồng, ngang ngạnh của các thanh niên thể hiện ra ngoài được anh Hợp uốn nắn kỹ càng như trong môi trường quân ngũ.

“Mình rất thương chúng nhưng tình thương phải đi kèm với sự nghiêm khắc mới có thể dạy chúng biết cách sống tốt hơn được”, anh Hợp tâm sự.

Như một đại gia đình thân thiết

Ngoài nhận đào tạo nghề, anh còn nuôi ăn miễn phí trong nhà của mình với những thanh niên thiệt thòi, gia đình hoàn cảnh, thậm chí là nhiều người khuyết tật, khiếm thính.

Nhiều em ở xa đến từ các huyện miền núi như Tuyên Hóa, Minh Hóa được anh Hợp nhận cho ở lại nhà mình luôn. Căn nhà cấp 4 toàn bằng gỗ của anh Hợp đến bữa ăn trong giống như một đại gia đình với những học trò được anh nuôi từng bữa. Tối tối anh lại dạo một vòng trước khi đi ngủ xem các em có đủ không, kiểm tra xem có em nào trốn đi chơi không.

“Dạy nghề cho người bình thường đã vất vả, dạy nghề cho những người bị khiếm thính còn vất vả hơn. Lúc mình mới nhận vào quả thật là không biết phải trao đổi chỉ dạy thế nào. Phương tiện trao đổi duy nhất là tờ giấy và ngòi bút nhưng xem ra không ăn thua mấy”, anh Hợp cho biết.

 

Anh Hợp chỉ dạy thanh niên tại xưởng mộc của mình

Thế mà sau nhiều tháng làm quen, Hợp và những học viên đặc biệt của mình cũng có thể tìm được tiếng nói chung bởi những ký hiệu riêng.

Những học viên sau khi học việc 3 tháng, tay nghề đã vững vàng được anh Hợp bắt đầu trả lương ở mức 150.000 đồng/một ngày. Học viên nào có nguyện vọng ra làm bên ngoài đều được anh Hợp chỉ dẫn tận tình. Bằng chứng là nhiều học viên của anh Hợp giờ đã làm chủ nhiều cơ sở mộc mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh.

Em Phạm Quyết (19 tuổi, quê xã Tiến Hóa, huyên Tuyên Hóa) kể: “Gia đình em nhà nghèo mà có đến 11 anh chị em. Mới học đến lớp 9 em đã nghỉ học, theo bạn bè ăn chơi vô bổ. May nhờ có anh Hợp giúp đỡ tận tình, chỉ bảo em học nghề, cho ở lại coi em như em út trong nhà mà giờ em đã có tiền gửi về cho gia đình hằng tháng phụ giúp bố mẹ”.

Với Dương Thanh Châu (20 tuổi) ngày mới vào học nghề ở xưởng mộc là những ngày khó khăn nhất của em vì đôi chân em bị dị tật và giọng nói không được rõ ràng như bao người khác.

“Bố em mất sớm, mẹ tần tảo nuôi mấy chị em ăn học. Em sức khỏe yếu nên phải nghỉ học sớm, giờ có cái nghề chạm khắc rồi em vui lắm, có thể giúp đỡ mẹ!”, Châu mừng nói.

Đối với anh Hợp nhìn những thế hệ học trò của mình tiến bộ trong tay nghề, chín chắn hơn trong tính cách, nhã nhặn hơn trong ứng xử và rồi sau khi thành nghề có thể tự nuôi sống bản thân mình và giúp đỡ được nhiều người khác đó chính là lúc anh cảm thấy vui nhất.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây