“Ngủ thăm” kén vợ
- Chủ nhật - 21/08/2016 17:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ở xã Ea Kuêh.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình, chị Nguyễn Thị Sáu (xã Ea Kuêh huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) người Thái di cư từ tỉnh Nghệ An vào cho biết: Trai gái đến tuổi trưởng thành được chọn bạn đời. Nhà trai mang lễ vật ăn hỏi gồm: Hai con gà trống tơ, một con trắng, một con đỏ, năm chai rượu. Nhận lễ ăn hỏi, nhà gái hẹn ngày lành, tháng tốt cho chàng trai đến ở rể. Từ đấy, chàng rể phải đảm đương mọi việc của gia đình nhà vợ trong ba năm. Nếu nhà gái ưng thuận mới chính thức cho làm lễ thành hôn. Búi tóc giữa đỉnh đầu phụ nữ là dấu hiệu người này đã có chồng.
Từ “ngủ thăm” đến “ngủ thật”
Chị Lang Thị Xuân (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) nói: Đối với đồng bào Thái, Dao, Mường ở các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa, chàng trai muốn tìm hiểu người con gái mình lấy làm vợ, có thể đến để “ngủ thăm”. Ban ngày các cô gái đi làm, tối đến đốt một ngọn đèn, buông màn sớm và nằm trong đó, nếu đèn trong buồng còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai phải tự cạy cửa vào nhà và nằm bên cạnh cô gái, cô gái phải tự tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ được trò chuyện, không được đụng vào người nhau.
Phụ nữ Thái nhảy sạp.
Sau 5-6 đêm tìm hiểu, cô gái quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Để được “ngủ thật”, hai người phải thưa với bố mẹ hai bên gia đình để xem tuổi. Thời gian “ngủ thật” bắt đầu là lúc chàng trai đến ở làm công cho gia đình nhà gái. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng trai nữa thì sẽ gói quần áo, một gói cơm nắm cho vào địu và bảo: “Anh cứ về thôi”... Bây giờ tục lệ này đối với đồng bào Thái vẫn còn, nhưng ít.
Ông Hà Văn Sơn, cán bộ văn hóa xã Ia Lốp, huyện Ea Súp cho biết: “Xã có 788 hộ gồm 13 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%, di cư theo dự án giải phóng mặt bằng hồ thuỷ điện Cửa Đặt huyện Thường Xuân, Thanh Hóa vào đây. Mặc dù nhà ở của họ đã có nhiều cách tân nhưng sự phân chia chỗ ngủ trong gia đình, tục cưới hỏi, bản chất vẫn giữ được nét riêng của dân tộc”.
Phân chia chỗ ngủ
Xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk có 95% dân tộc Thái di cư từ các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp cách đây hơn 20 năm. Hiện có gần 200 hộ người Thái.
Ông Lô Văn Dậu - trưởng buôn Thái xã Ea Kuếh kể: Ngày nay trong các gia đình người Thái, cách phân chia chỗ ngủ vẫn còn rất rõ rệt, thể hiện vai trò, vị trí của từng người trong mỗi gia đình. Nhà sàn của người Thái sẽ được chia thành hai bên, bên có bàn thờ là nơi để ngủ của các thành viên trong gia đình, nửa còn lại là nơi sinh hoạt chung. Ông bà hoặc người cao tuổi nhất sẽ nằm sát bàn thờ tổ tiên, kế đến là bố mẹ, con trai cả nằm gần bố mẹ, kế đến là những người con tiếp theo, còn con gái thì ngủ ở phía ngoài cầu thang đi lên, cũng cùng một dãy đó.
Phụ nữ Thái giã gạo.
Những chàng “rể ngoài” (tức là mới trong giai đoạn đính hôn, chưa cưới) chỉ được nằm ngủ ở gian đầu nhà sàn dành cho khách nam giới. Sau ba tháng, bố mẹ vợ tương lai ưng ý anh ta mới được đem chăn đệm của nhà mình đến và vẫn nằm gian đầu nhà. Khi thành hôn mới được ngủ ở phòng riêng của vợ chồng.
Đối với phụ nữ chồng mất đi bước nữa, khi về thăm con cháu sẽ phải ngủ ở phía cầu thang đi lên, nơi vốn dành cho các con gái, cháu gái ngủ. Còn nếu người phụ nữ không tái giá thì vẫn được ngủ chỗ cũ. Riêng với đàn ông, dù họ có tái hôn đến bao nhiêu lần thì cũng không bị dịch chuyển chỗ ngủ. Phụ nữ sau sinh trong thời gian ở cữ sẽ ngủ ở gần bếp từ hai tuần đến một tháng.
Ông Y Kô Niê, phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk: “Dân tộc Thái di cư vào Tây Nguyên sinh sống khá lâu, nhưng họ cố gắng gìn giữ những luật tục cha ông để lại. Trong các lễ hội, cưới hỏi, trang phục truyền thống, nhảy sạp, giã gạo vẫn mang đậm bản sắc người Thái. Kiến trúc nhà sàn là biểu hiện rõ rệt. Ngày nay dù nhiều gia đình đã chuyển sang xây nhà tầng như người Kinh, nhưng họ vẫn chọn nơi thờ tổ tiên ở những tầng cao nhất. |