Nghề thổi hồn cho những chiếc bánh trung thu cổ truyền
- Thứ tư - 14/09/2016 16:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghề làm khuôn bánh trung thu ở phố cổ Hà Nội
Ông Phạm Văn Quang (59 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số những người thợ cuối cùng ở Hà Nội còn gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu truyền thống.
Ông Quang quê gốc Thường Tín, gia đình ông đã có 3 thế hệ gắn bó với nghề truyền thống này
Cửa hàng ông Quang chỉ rộng khoảng 12m2, nằm lọt thỏm so với những cửa hàng sầm uất khác của phố cổ Hà Nội.
Khuôn bánh trung thu được làm thủ công nên hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch được xem là mùa làm chính của những người thợ tạo khuôn bánh trung thu
Bên cạnh các khuôn bánh truyền thống như: Cá chép, hoa hồng, Phúc – Lộc – Thọ, ông Quang còn làm cả khuôn bánh hình các nhân vật trong hoạt hình mà trẻ em yêu thích như Đô-rê-mon; Trư Bát Giới…
Một mẫu khuôn bánh cá chép được làm tinh xảo, cầu kỳ và khá được "chuộng" trong mùa bánh năm nay
Các sản phẩm của ông Quang chủ yếu phục vụ cho các cơ sở sản xuất bánh truyền thống ở Xuân Đỉnh hoặc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều mẫu khuôn bánh, ông Quang chế tác thêm tay cầm để người thợ dễ dàng sử dụng
Để làm ra được 1 chiếc khuôn bánh phải trải qua khá nhiều công đoạn và thời gian. Các bước đều đỏi hỏi sự tỉ mẩn để khuôn vừa vặn, hoa văn đẹp, bánh làm ra đạt chất lượng đẹp
Khuôn bánh được làm từ gỗ thị và gỗ xà cừ. Đây là 2 loại gỗ mà người làm thường chọn vì bền, dễ đục đẽo và ít mối mọt.
Để hoàn thiện một khuôn bánh trung thu đẹp những người thợ như ông Quang phải mất từ 1 - 3 ngày
Mỗi khuôn bánh có giá từ 150 – 300 nghìn đồng, với những khuôn bánh có kích thước to, hoa văn cầu kỳ giá có thể lên tới tiền triệu
Nhiều khách nước ngoài tỏ ra khá thích thú ngắm nhìn những mẫu khuôn với hoa văn tinh xảo ở cửa hàng ông Quang
Trước kia, nghề làm bánh truyền thống phát triển nên nghề tạo khuôn bánh trung thu cũng được dịp “ăn nên làm ra”. Cả con phố Hàng Quạt lúc nào cũng dồn vang tiếng đục, đẽo của người thợ. Hàng quán làm quanh năm không hết việc. Thế nhưng hình ảnh đó giờ chỉ còn là hoài niệm. Công nghệ phát triển, những chiếc khuôn công nghiệp với giá thành rẻ được chuộng hơn cả, nghề thủ công này vì thế cũng ít khách hơn. Những người thợ cũng dần bỏ nghề, rẽ hướng sang kinh doanh mặt hàng khác. Cửa hàng ông Quang được xem là hiếm hoi ở phố cổ Hà Nội khi còn tâm huyết và gắn bó với nghề truyền thống này.
Hà Trang - Xuân Ngọc