Miền Trung đề nghị được hỗ trợ gạo, hóa chất xử lý môi trường
- Thứ năm - 20/10/2016 02:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm nay, nước lũ đã rút hết ở Quảng Bình. Tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt qua Quảng Bình đã thông tuyến. Người dân đang dọn dẹp nhà cửa, trẻ em trở lại trường sau thời gian nghỉ học vì ngập lụt.
Tại xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa), tranh thủ trời nắng, chị Cao Thị Hạnh mang bao gạo bị ướt, bốc mùi chua ra trước cửa nhà phơi khô. “Cứ phơi tạm thế chứ ngâm nước 3 ngày, không biết có cho gà hay heo ăn được không”, chị Hạnh nói.
Nước lũ ngập vào nhà chị Hạnh 2,7 m, vách gỗ căn nhà bị đánh tan hoang, nhiều đồ dùng bị lũ cuốn trôi. Dù đã bịt nhưng giếng nước vẫn đục, gia đình phải đi xin nước hàng xóm để sinh hoạt. Chị Hạnh cho hay thiếu nhất bây giờ là nước uống, lương thực thì vá víu tạm ăn qua ngày.
Sau đợt lũ làm 21 người chết, hơn 92.000 ngôi nhà bị ngập, tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi Chính phủ xin hỗ trợ khẩn cấp 90 tấn hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi, thủy sản; 100 máy nổ phun tiêu độc; 4 tỷ mua hóa chất chlorine hoặc PAC để xử lý nước sinh hoạt; hơn một triệu liều văcxin cho gia súc, gia cầm...
Để phục hồi sản xuất nông nghiệp, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 2 tấn giống rau quả, 50 tấn giống ngô.
Chị Hạnh phơi số gạo bị ngâm nước 3 ngày để cho gà và lợn ăn. Ảnh: Hoàng Táo |
Hứng mưa muộn hơn so với Quảng Bình, Hà Tĩnh lại chịu sự tác động của thủy điện xả lũ nên đến nay một vài xã vùng hạ lưu sông vẫn ngập khoảng 2 m, gây ách tắc giao thông và khó khăn cho công tác tiếp cận, cứu trợ. Dự báo phải vài ngày nữa, nước lũ mới rút hẳn.
Hà Tĩnh có 6 người chết, 108 xã với hơn 30.000 hộ dân bị ngập, hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi do mưa lũ. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo; 2.000 tấn lúa giống sản xuất; hàng chục tấn ngô, rau giống.
Về lâu dài, Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng khu tái định cư vùng hạ du Hương Khê. Trọng tâm là ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khu tái định cư cho xã Phương Mỹ (Hương Khê) với mức đầu tư dự kiến 42 tỷ đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ.
Tại Nghệ An, mưa lũ đã rút hết, toàn tỉnh có 5 người chết, hơn 8.000 nhà bị ngập, gần 2.000 ha lúa mùa hư hỏng, hơn 13.000 gia cầm và gia súc bị cuốn trôi.
Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 103 tấn gạo cứu đói cùng hàng trăm kg hóa chất xử lý môi trường.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 13/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình, trong 24 giờ, tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc ở tỉnh này. Mưa lớn kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Từ chiều 15/10, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Thống kê đến chiều 17/10, có 35 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ. |