Mẹ cháu bé không mặc quần áo dưới mưa từng bị bán sang Trung Quốc
- Thứ bảy - 18/03/2017 17:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo anh Chu Lý Đạt, anh trai của chị T., gia đình anh có 7 anh chị em, T. là con út. Khi T. được 6 tuổi thì mẹ mất. Sau đó, T. bị chị gái của bạn lừa bán sang Trung Quốc.
“Khi đó, nó mới 16 – 17 tuổi. Chị của bạn nó rủ đi mua sắm rồi lừa bán T. sang nhà hàng ở Trung Quốc. 3 ngày sau, gia đình tôi mới biết. Khoảng 3 – 4 tháng sau, T. trốn thoát được. Nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, tôi sang Quảng Đông đón T. về”, anh Đạt kể lại.
Theo anh Đạt, sau khi trở về nhà, có một thời gian tâm tính T. bị ảnh hưởng nặng nề. Dần dần, ổn định trở lại, T. yêu một người ở gần nhà và sinh con gái đầu là cháu Trần Kim H. Tuy nhiên, bố cháu H. phải vào trại cai nghiện, nhà nội lại không đón nhận nên T. và con sống ở quê ngoại. Năm ngoái, T. đi làm tiếp thị bán hàng và quen một người đàn ông quê ở Nghệ An. Hai người đã tính đến chuyện cưới xin nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình nhà trai. T. sinh con trai thứ hai.
Theo người thân, do chịu nhiều cú sốc trong cuộc sống nên Chu Thị T. (áo trắng) hay trút giận lên con.
Chị Chu Thị Oanh, chị gái của T. cho biết: “Bố cháu thứ hai sống ở đây với 3 mẹ con được mấy tháng. Tuy nhiên, T. và bố cháu cứ cãi nhau luôn. Không chịu được nữa thì bố cháu cũng bỏ đi. Từ bấy đến giờ, T. sống cùng hai con”.
Anh Đạt cho biết: “Từ sau khi sinh cháu thứ hai, T. chỉ ở nhà trông con mà không làm gì. Anh em chúng tôi cũng đỡ đần nhưng cứ không hài lòng điều gì thì T. lại chửi bới mọi người nên chúng tôi rất bức xúc. Hơn nữa, anh em “kiến giả nhất phận”, chúng tôi cũng có gia đình riêng, phải lo cho con cái, không thể giúp nhiều được. Thấy T. đánh cháu, chúng tôi vào can ngăn thì nó mắng chửi. Gia đình cũng rất khổ tâm. Có thể do phải chịu nhiều cú sốc trong cuộc sống nên tâm lý T. bị ảnh hưởng, hay trút giận lên người khác”.
Chị Oanh thì chia sẻ: “Thương hoàn cảnh T. một mình nuôi con vất vả nên anh chị vẫn thường giúp nó về tài chính. Nhưng T. hay gây sự, mắng mỏ người khác khi bức xúc vấn đề gì đó nên dần dần mọi người cũng xa lánh.
Có lần cãi nhau với bố cháu bé, T. còn ném cả thằng cu bé may mà tôi ra đỡ kịp. Có khi thương cháu, tôi gọi cháu vào nhà cho cháu ăn thì T. lại mắng chửi. Nhìn cháu bị đánh, tôi rất xót xa nhưng với tính khí của T. thì không ai muốn can thiệp gì nữa. Trưa nay, nó vừa làm bản cam kết với cơ quan công an là không đánh con nữa nhưng chắc chỉ được vài ba hôm rồi sẽ lại chứng nào tật nấy”.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 7, phường Đồng Mai, có thể do không có công ăn việc làm, bí bách về mặt kinh tế nên tâm tính T. thất thường và hay đánh con. “Tôi khuyên nhủ T. nên kiếm làm, gửi các con đi trẻ để đỡ khó khăn nhưng T. chỉ ậm ừ. Tôi nghĩ có biết bao hoàn cảnh cũng khó khăn chẳng kém T., quan trọng là phải cố gắng vươn lên. Xung quanh đây có người hơn 50 tuổi vẫn đi làm công nhân kiếm sống được đấy thôi. T. còn trẻ, sức dài vai rộng thì không thiếu việc”, bà Thoa chia sẻ.
“Gia đình tôi có nghề bán chim cảnh. Nếu chăm chỉ đi chợ thì cũng kiếm sống tốt. Trước đây, anh chị em đã khuyên nhủ, tạo điều kiện để T. đi bán hàng nhưng rồi nó cũng không chịu đi”, chị Oanh nói.
Chị Oanh bảo, các cháu cứ sống với mẹ như thế chị rất lo bọn trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. “Giờ gia đình tôi cũng “bó tay” rồi. Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc để các cháu không phải chịu cảnh này nữa. Nếu được thì tôi mong bố các cháu hay nhà nội có thể đón các cháu về nuôi để các cháu có thể phát triển tốt”, chị Oanh bày tỏ.