Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Huyện yêu cầu giáo viên soạn giáo án viết tay

Huyện yêu cầu giáo viên soạn giáo án viết tay
Với lý do nâng cao chất lượng dạy học, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) ban hành quy định bắt buộc giáo viên phải soạn giáo án viết tay thay vì đánh máy, in ấn như trước. 

Đầu năm học 2016-2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân (Thanh Hóa) ban hành văn bản yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên phải soạn giáo án, tài liệu hồ sơ bằng viết tay thay vì đánh máy như những năm học trước. Quy định được áp dụng bắt buộc cho cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS.

Phần lớn giáo viên cho rằng việc viết tay chiếm nhiều thời gian khiến họ thêm vất vả. “Chúng tôi gặp nhiều trở ngại vì lâu nay đang soạn bài vở trên máy tính giờ lại quay về phương pháp cũ, hầu hết tài liệu phải làm lại từ đầu”, một giáo viên bậc tiểu học ở Như Xuân phản ánh.

Việc áp dụng quy định soạn giáo án bằng tay khiến nhiều giáo viên thêm vất vả. Ảnh: Lê Hoàng.

Nữ giáo viên phân tích, trung bình một tuần phải dạy hơn 20 tiết, có người 24-25 tiết, ngày dạy 4-5 tiết, để chuẩn bị từng đó giáo án viết tay cho một ngày đi làm là rất vất vả. Nhiều thầy cô đầu tư máy tính, máy in… hàng chục triệu đồng, nay bỏ không, gây lãng phí.

“Trong các cuộc họp chuyên môn ở huyện, chúng tôi đã nêu ý kiến việc bắt giáo viên soạn bài bằng tay là vô lý", Hiệu trưởng một trường tiểu học nói và cho rằng có nhiều cách để nâng cao chất lượng tiết dạy, như: tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, thăm lớp dự giờ, trao đổi nghiệp vụ…

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch huyện Như Xuân lý giải, yêu cầu này xuất phát từ thực tế chất lượng giáo dục đào tạo ở huyện những năm qua chưa cao. Một số thầy cô có tâm lý ỷ lại máy móc, soạn giáo án dùng cho cả năm và nhiều khi mang tính đối phó. 

“Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết phải thay đổi từ công tác chuẩn bị bài giảng của người thầy. Việc áp dụng viết tay truyền thống có ưu điểm riêng, một lần ghi là hai lần nhớ…”, ông Phương nói và khẳng định dù có ý kiến trái chiều, song "hầu hết thầy cô, nhà trường ủng hộ chủ trương này”.

Chiều 30/9, trả lời VnExpress, ông Trịnh Xuân Cảnh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, những năm qua, ngành giáo dục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và cho kết quả tốt.

“Sở không chủ trương hay chỉ đạo giáo viên soạn hồ sơ, bài dạy bằng cách viết tay thay vì đánh máy như đang được áp dụng tại huyện Như Xuân”, ông Cảnh nói và cho biết lãnh đạo Sở đang yêu cầu phòng chuyên môn kiểm tra để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây