"Hầu hết các vùng biển miền Trung đều đã an toàn"
- Thứ hai - 22/08/2016 12:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
* Tiếp tục cập nhật
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Do.
Tại hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trường bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: "Việc công bố kết quả môi trường biển là cấp bách và cần thiết. Để người dân có thể đánh bắt thủy hải sản, bên cạnh đó nhà nước sẽ giám sát chặt hệ thống xả thải của công ty Formosa và các công ty xí nghiệp khác".
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị cũng nói: “Chúng tôi mong muốn, sau sự kiện này biển của chúng tôi sẽ trở lại như xưa”.
Hội nghị đang thu hút đông đảo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đến dự.
Hội nghị đang diễn ra và có cả sự tham dự của các chuyên gia biển quốc tế. Ảnh: Nguyễn Do.
Trước đó, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khiến đời sống người dân rất khó khăn.
Để tìm nguyên nhân, bảy bộ, ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Sau gần hai tháng, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Ông Nhuân công bố kết quả tại hội nghị
Kết quả đánh giá hiện trạng do GS.TS Mai Trọng Nhuân, đại học quốc gia Hà Nội và nhóm chuyên gia thực hiện.
Theo đó, kết quả quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển và hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái và ven biển 4 tỉnh miền trung bằng quy trình, phương pháp khoa học, hợp lý cho thấy:
Các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản.
Một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía đồng Nhật Lệ, hòn Sơn Chà), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn chất thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Hệ sinh thái san hô, cỏ biển và nguồn lợi hủy sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã có sự phục hồi tích cực.
Kết luận của nhóm chuyên gia GS Nhuân
Kết luận của Bộ Y tế
Theo Bộ Y tế từ ngày 28-4-2016 đến 8-8-2016 kết quả đánh giá cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản giảm dần theo thời gian.
10h00. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch hội thiên nhiên môi trường biển cho rằng vấn đề chính mà người dân quan tâm là việc cá và biển đã an toàn chưa, nên các cơ quan chức năng cần phải giải đáp được câu hỏi đó của người dân.
PGS Hồi nói về mức độ tin cậy của môi trường biển, dù có cá nhỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế. "Chỉ khi có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực đó đã an toàn".
Chuyên gia người Đức TS. Schroe der - chuyên gia ở viện công nghệ môi trường biển Đức tại hội nghị cho biết, kết quả đánh giá dựa trên phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao. Về hai thông số Xyanua và Phenol, chuyên gia cho rằng thông số Xyanua đã giảm xuống dưới mức cho phép của Việt Nam, thông số về phenol trong nước biển dù còn nhưng hàm lượng đã giảm đáng kể, riêng về độ an toàn của nước biển phục vụ cho việc bơi lội tại các bãi tắm thì có thể khẳng định đã an toàn.
Liên quan đến việc cá đã ăn được chưa, theo TS. Schroe der, dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống nhưng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là cá ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng phenol khá cao
Ông cũng cho rằng sắp tới cũng cần gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến hơn để có kết quả đối chứng, khi đó kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá.
10h30. Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị: "Chúng tôi mong muốn nghe ý kiến của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên công bố cho người dân biết về những vấn đề nuôi trồng để nông dân ổn định sản xuất. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng đề xuất đến các bộ để có những biện pháp, sớm trả lời để người dân và ngư dân được biết".
Ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị các cơ quan chức năng công bố cho người dân biết vùng biển trung bờ (khoảng 20-50 hải lý) khi nào thì đánh bắt được.
11h00
PSG Nguyễn Văn Hợp (khoa Môi trường, ĐH Khoa học Huế) phát biểu tại hội nghị cho rằng kết luận của Bộ y tế còn quá chung chung. "Báo cáo có vấn đề là chưa có báo cáo về nguồn thải... Kết luận của Bộ Y tế quá thận trọng, chỉ nói "một số chất đang giảm theo thời gian" cách nói này chung chung quá", ông Hợp nói.
Về kết luận của nhóm báo cáo chất lượng môi trường biển, PGS Hợp cũng cho rằng còn một số chỗ chưa cụ thể, "nói giảm dần theo thời gian thì cụ thể là giảm đến mức nào rồi, có nằm trong mức cho phép chưa?".
PSG Nguyễn Văn Hợp
11h20
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết sẽ sớm cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế những tài liệu chi tiết về kết quả nghiên cứu chất lượng môi trường biển để các bộ này sớm có phương án hỗ trợ ngư dân.
Theo Thứ trưởng, hội nghị hôm nay không phải là buổi công bố chính thức biển an toàn mà là để công bố hiện trạng biển và các kết quả nghiên cứu đến thời điểm hiện tại là như thế nào.
TS Vũ Đức Lợi (phó chủ tịch hội đồng khoa học quốc gia tìm nguyên nhân cá chết) cho biết hiện Bộ TNMT mỗi ngày lấy 4 mẫu tại Formosa. Formosa mỗi ngày chỉ thải ra khoảng 3 kg phenol, đây là một con số rất nhỏ.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chỉ đạo kết luận hội nghị công bố thực trạng biển miền Trung sau sự cố Formosa, ông nói: "Chúng ta đang thực hiện việc trả lời ba vấn đề mà người dân quan tâm: môi trường biển đã an toàn chưa, thực phẩm biển đã an toàn chưa và vấn đề nuôi trồng thủy hải sản đã an toàn hay chưa? Báo cáo này tuy chưa trả lời được hoàn toàn câu hỏi của người dân 4 tỉnh miền Trung là cá đã ăn được chưa, biển đã sạch chưa nhưng cũng đã cung cấp cho người dân những thông số quan trọng về chất lượng nước biển hiện tại, các quy luật tự làm sạch của biển và các vùng xoáy còn phenol.
Sau hội nghị này các nhà khoa học sẽ công bố những con số chính xác khu vực nào của biển đã an toàn, khu vực nào chưa an toàn. Sau này sẽ xác định địa danh, bản đồ, diện tích… để người dân biết biển an toàn và đưa ra các khuyến cáo....".
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Bộ trưởng khẳng định hiện tại hầu hết các vùng biển miền Trung đều đã an toàn, chỉ còn giới hạn một số vũng xoáy có khả năng tích tụ phenol mà các nhà khoa học chưa thể kết luận ngay được.
Bộ trưởng Hà cũng lưu ý là cần có sự đối sách về chất lượng và có kiểm soát nước biển cho khu vực biển miền Trung. Môi trường biển hiện không còn đáng nghi ngại như trước nữa, hiện nay xác định được một số khu vực cần khuyến cáo.
“Nhưng các nhà khoa học vẫn thận trọng trong việc công bố kết quả và đưa ra các khuyến cáo cho người dân là điều hết sức cần thiết”, Bộ trưởng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì tất cả các bãi tắm thể thao dưới biển (trừ các khu vực sẽ có khuyến cáo), hầu hết vùng bãi biển miền Trung là yên tâm, tắm được. Điều này được chứng minh bởi các dữ liệu hoàn toàn xác đáng.
* Tiếp tục cập nhật