Hà Nội bỏ hàng loạt hạng mục chi phí "cắt cỏ, tỉa cây"
- Thứ tư - 17/08/2016 20:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thành phố Hà Nội cắt giảm 40,38% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh.
Trao đổi với PV Tiền phong, đại diện ban đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện công tác duy tu cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa lâu nay đều thực hiện theo đơn giá, định mức của TP quy định. “Từ cơ sở khối lượng và định mức sẽ tính ra chi phí cho một năm” – vị này cho hay.
Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 được ban hành ngày 30/1/2015 là cơ sở để lập, phê duyệt dự toán, thanh quyết toán các gói thầu, đặt hàng dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn TP. Đơn giá này được thực hiện trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn năm 2015-2020.
Theo đó, riêng việc thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị với lĩnh vực duy trì công viên cây xanh có 431 mã đơn giá. Trong đó, chỉ với việc trồng, xén và duy trì thảm cỏ có 32 mục khác nhau như phí duy trì thảm cỏ công viên, máy bơm xăng, mùa mưa, mùa khô, phí xén cỏ mùa khô, mùa mưa, phí trồng cỏ, phun thuốc phòng sâu bệnh, vệ sinh thảm cỏ...
Liên quan đến vấn đề này, trong một báo cáo gửi HĐND TP do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ký trả lời về những giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý cây xanh có nêu rõ: “Quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp với thực tế, được xây dựng trên một đơn vị sản phẩm đơn lẻ, khối lượng nhỏ dẫn đến hao phí nhân công, máy móc thiết bị lớn”.
Qua rà soát theo hướng “tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành”, mã đơn giá cho công việc duy trì công viên cây xanh giảm được 386 mã, chỉ còn 63 mã. Thành phố cũng giảm 40,38% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh.
Như thông tin Tiền Phong đã nêu, sau khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung công bố tiền cắt cỏ, chăm sóc một ít trúc đào, dâm bụt đoạn đại lộ Thăng Long ngốn 53 tỷ/năm, còn hé lộ thêm nhiều dự án có chi phí khủng cho việc cắt cỏ, tỉa cây.
Số liệu công khai từ Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2015 cho thấy, dự án đại lộ Thăng Long có giá trị trúng thầu lớn nhất với 95 tỷ đồng. Dự án đường Lê Trọng Tấn và Phúc La - Văn Phú trị giá 41 tỷ đồng với khoảng 11 km. Dự án đường Vành đai III đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng với chiều dài 15 km được thực hiện với mức giá trên 43 tỷ đồng; đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến nút giao Trung Hòa có giá hơn 28 tỷ đồng...Những dự án này đều được đấu thầu rộng rãi trong nước theo hình thức trọn gói trong thời gian 45 tháng.
Trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 15/8, Chủ tịch UBND TP cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây thành phố đã thực hiện chính sách xã hội hóa việc trồng cây xanh. Tuy nhiên, bản chất của việc xã hội hóa không phải là tiền của tư nhân bỏ ra, mà vẫn lấy tiền từ ngân sách thành phố để đặt hàng các doanh nghiệp trồng cây xanh.
Theo ông Chung “chính việc đặt hàng này khiến nhiều công ty lao vào trồng cây xanh nên không kiểm soát được chất lượng nên xảy ra hiện tượng trồng cây bị bật gốc”.
Về giải pháp chấn chỉnh quản lý, duy tu cây xanh, nêu trong báo cáo gửi HĐND TP, ông Chung cho biết, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh quy định quản lý cây xanh đô thị phù hợp với các quy định pháp luật và phân cấp quản lý hạ tầng và kinh tế xã hội. Thực hiện việc phân cấp, phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn TP.
“Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn TP từ 1-1-2017. Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật” - báo cáo về giải pháp hạn chế bất cập trong quản lý cây xanh do ông Nguyễn Đức Chung ký nêu rõ.