Góc sửa giày đặc biệt của chàng trai bị bệnh bướu máu khiến nhiều người rơi lệ
- Thứ ba - 13/12/2016 10:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đến đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (TP. HCM) hỏi chàng trai sửa giày dép miễn phí cho người nghèo , khuyết tật ai ai cũng biết. Đó là Nguyễn Bá Cường hay còn gọi là Beo, năm nay 18 tuổi, sống tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật.
Đang loay hoay tìm nhà, chúng tôi cũng đã bắt gặp Cường ngồi chăm chú sửa giày cho một người đàn ông khuyết tật đứng bên cạnh. Đằng trước vị trí Cường ngồi có một tấm giấy bọc nhựa cẩn thận với dòng chữ gây chú ý: “Nhận sửa giày, dép miễn phí cho các anh, chị bán vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị”.
Chúng tôi ngồi bên cạnh đợi Cường, chỉ trong vài phút đôi giày của người đàn ông khuyết tật được sửa xong. Cường cẩn thận bỏ đôi giày vào bao, người đàn ông cúi gằm định mở ví lấy tiền trả thì em cười nói: “Dạ, con không lấy tiền, con sửa miễn phí cho ông ạ!”. “Không lấy tiền hả con, con lấy còn giúp đỡ gia đình nữa chứ!”, người đàn ông nói. “Dạ không, con sửa miễn phí cho mọi người khó khăn ạ, ông cũng như mọi người, con nhận tấm lòng chứ không lấy tiền!”, Cường đáp. Người đàn ông ấy nắm chặt tay Cường cảm ơn rối rít rồi ôm chiếc bao bọc đôi giày tiến về bên kia đường.
Cường sửa giày, dép miễn phí cho người nghèo
Khi được chúng tôi hỏi về cái duyên đưa em đến với công việc sửa giày, dép, Cường chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha làm nhạc công thu nhập bấp bênh, mẹ làm nội trợ trong gia đình, chi tiêu cho sinh hoạt thiếu hụt trước sau. Cuộc sống khó khăn như thế nên nhiều lúc em muốn làm gì đó giúp đỡ gia đình.
“Em học đến lớp 6 nhưng cảm thấy không theo nổi, ở lại 3 năm anh ạ. Thấy mình không sáng dạ lắm nên em “nhường” cho em trai tiếp tục học còn mình kiếm công việc gì đó giúp đỡ cha mẹ”, Cường giãi bày.
Trong những lần đi chơi quanh nơi mình ở, Cường gặp anh Tuấn là thợ đóng và sửa giày, dép có tay nghề. Thấy nhiều lần Cường tò mò về công việc, anh Tuấn mới hỏi Cường có muốn học thì anh bày. Cường gật đầu rồi theo anh Tuấn học nghề hơn 2 năm.
“Ban đầu em còn luýnh quýnh tay chân, kim đâm chảy máu tay khi may giày hay dán keo mãi mà không dính. Làm lâu quen tay nên được hơn 2 năm thì em thuần thục”, Cường nói.
Tấm bảng sửa giày, dép miễn phí của Cường đặt bên ngoài để mọi người biết
Khi chúng tôi hỏi về tấm bảng sửa giày, dép miễn phí của mình, Cường bảo đó là tấm bảng anh Tuấn làm cho rồi treo lên trên chiếc tủ sửa giày hằng ngày. Anh Tuấn căn dặn Cường trong công việc mưu sinh mỗi ngày phải “biết nghĩ, biết thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn cùng cảnh ngộ như mình. Sống là sẻ chia chứ không chỉ nhận cho riêng mình – lời Cường nói”.
Từ giữa năm 2015 đến nay, Cường bắt đầu công việc sửa giày, dép để kiếm tiền phụ giúp gia đình và giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn. Tiền công thu nhập của em mỗi ngày khoảng 150 ngàn đồng, đó là chưa kể nếu tính tiền những người khó khăn đến sửa giày, thu nhập gấp 2-3 lần nhưng em đều lắc đầu không nhận.
Người đàn ông khuyết tật cảm ơn Cường khi được sửa giày miễn phí cho
Cường chia sẻ: “Em không nhớ hết những người đã đến nhờ em sửa giày, dép miễn phí nữa, đông lắm anh ạ. Còn nhớ những ngày đầu, có vài cô chú đem giày tới hỏi đi hỏi lại con sửa giày miễn phí thật hả? Em bảo dạ sửa miễn phí, hứa các cô chú đó mới tin tưởng đưa cho sửa vì sợ tốn tiền. Những lúc sửa xong, không lấy tiền em nhận được những cái nắm chặt tay, câu khen ngợi, cảm ơn mà em cười thẹn thùng…”.
Ông Nguyễn Bá Quốc (50 tuổi, cha Cường) tâm sự, ngay từ khi chào đời, trên cơ thể Cường đã có những vết đốm nổi trên cơ thể. Khi đưa đi khám, bác sĩ bảo Cường bị bệnh bướu máu.
Do hoàn cảnh khó khăn, các bác sĩ bảo bệnh này cũng lành tính nên gia đình không có điều kiện cho Cường được điều trị tới cùng. Chính vì vậy mà bệnh này đã làm cơ thể Cường chậm phát triển. Dù năm nay đã tròn 18 tuổi nhưng Cường thấp bé, ốm yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác.
Cường bảo: “Em không suy nghĩ nhiều đến căn bệnh mà mình đang mang. Điều em nghĩ đến là làm sao lo cho cha mẹ, em trai và giúp đỡ mọi người xung quanh mình nhiều hơn. Sau này có vốn sẽ mở một tiệm sửa giày, dép nhỏ để có nơi chốn làm việc cố định”.