Gần 10 năm đối diện trâu dữ của nhóm thợ săn
- Chủ nhật - 04/09/2016 18:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Minh, thay mặt nhóm thợ săn thắp hương cầu bình an, tai qua nạn khỏi trước khi vào rừng săn trâu. Ảnh: Hoàng Táo |
Trở về từ rừng cao su xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị), ông Lê Minh cho hay đàn trâu hoang 9 con ở xã này làm tốn nhiều công sức và thời gian của nhóm thợ săn nhất.
Một tháng nay, nhóm thợ săn 4 người do ông Lê Minh (54 tuổi, trú thị trấn Ái Tử, Triệu Phong) đứng đầu đã đặt bẫy, săn 9 con trâu dữ từng tấn công nhiều người dân và công nhân lâm trường. Nhóm bắt được 5 con trâu, 2 con khác nằm trong khu vực do nhóm thợ săn kiểm soát, trong khi 2 con khác thoát ra ngoài.
Khoảng 7 năm trước, ông Minh lần đầu nhận được đề nghị của một người đàn ông ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) về việc bắt trâu nhà thả rông trên rừng, lâu ngày thành trâu hoang. Từng sống bằng nghề vào rừng săn ong, không ít lần ông Minh bắt gặp bẫy hươu nai, nghĩ có thể bắt trâu đơn giản như đặt bẫy hươu nai nên ông nhận lời.
Tuy nhiên, ông Minh và 3 người khác mất một tháng trời nhưng không thu được thành quả gì. “Lúc đó tôi làm thòng lọng, néo vào cành cây vít xuống đất nhưng không hiệu quả. Trâu khỏe quá nên kéo đứt cây bỏ chạy”, ông Minh nhớ lại.
Thất bại buộc ông Minh phải cải tiến cách đặt bẫy, dùng cọc neo bằng sắt đóng chặt xuống đất để giữ bẫy. Kết quả ông bắt được 8 con trâu. Từ đó, ông Minh thường nhận lời giúp bắt trâu hoang khi có người dân đến đặt vấn đề.
Trước khi vào rừng khảo sát, nhóm thợ đều yêu cầu người thuê viết cam kết với chứng nhận của chính quyền địa phương về quyền sở hữu đàn trâu để tránh tranh chấp về sau. Đến nay, nhiều tờ giấy viết tay nhàu nát, nhòe chữ vẫn được ông Minh giữ gìn cẩn thận.
Sau đó, người thuê dẫn nhóm thợ đến khu vực rừng có đàn trâu hoang để khảo sát tập tính, thói quen trước khi đặt bẫy.
Ông Minh tháo bẫy cho một con trâu. Ảnh: Hoàng Táo |
Nhiều lần đối diện trâu dữ, không ít lần phải bỏ chạy thục mạng vì trâu hoang truy đuổi, thậm chí bị nó “húc gió” sát chân, ông Minh rút ra bài học ném áo thoát thân. Ông chia sẻ, khi đi rừng, bị trâu đuổi thì chỉ cần ném áo. Trâu sẽ tấn công chiếc áo, cho người thời gian leo lên cây ung dung thoát thân.
7 năm làm nghề, ông Minh chưa từng về tay không khi đối diện các đàn trâu hoang hung dữ. “Trâu càng hung dữ, chủ động tấn công mình thì càng dễ dính bẫy, càng dễ bắt. Mình vừa sợ, nhưng hứng thú và kích thích nhiều hơn”, ông nói.
Việc đặt bẫy phải chú ý để lại càng ít mùi con người càng tốt. “Trâu cực thính mũi, chỉ cần mình vứt chai nước uống ở hồ nước là chúng tránh đi liền”, thợ săn Trần Đức Hùng nói.
Dù chỉ là nghề tay trái kiếm thêm chút thu nhập, nhưng bất kể mùa nào, khi có người thuê săn trâu là nhóm thợ lại lên đường. Thù lao săn trâu từ trước đến giờ đều không đổi, nhóm thợ luôn yêu cầu 60% giá trị đàn trâu.
“Nghề này cực khổ, đi nắng về mưa. Có lần gặp lũ rừng, chúng tôi phải nán lại mấy tiếng chờ nước rút mới dám vượt suối về nhà”, anh Hùng nói. Nhiều lần, cả nhóm mất đến tháng trời mới hoàn thành hợp đồng săn trâu cho người thuê.
Ngay khi trâu dính bẫy, ông Minh gọi cho chủ thuê để xác định đúng trâu hay không. Sau đó thợ dùng sào, đứng cách xa 4-5 mét, rồi đưa dây vào sừng trâu để khống chế. Bốn người chia làm 2 phía trước sau cùng hiệp lực để giữ con trâu. “Nếu một người lơi là, chủ quan để tuột dây thì rất nguy hiểm cho những người còn lại nên ai cũng phải chắc chắn, không sơ suất, chủ quan”, ông Minh cho hay.
“Nguy hiểm nhất là trâu què, trâu đẻ và trâu từng bị bẫy nhiều lần. Những con này khi bị đuổi vào đường cùng thường quay đầu tấn công thợ săn”, ông Minh đúc rút.
Mỗi khi săn được trâu, nhóm thợ thường mua ít hoa quả, mang lên khu vực rừng làm lễ cảm tạ, đồng thời cầu may mắn, tai qua nạn khỏi cho mọi người. Cho đến nay, cả nhóm chưa ai bị thương tích nặng.
Ông Minh nói cố gắng giúp gia chủ bắt được nhiều trâu, vớt vát chút vốn liếng. Ảnh: Hoàng Táo |
7 năm hành nghề, nhóm thợ vẫn nhớ rõ người đàn ông tên Bằng ở huyện Hải Lăng, thuê đặt bẫy bắt đàn trâu 20 con vào 3 năm trước. "Khi bắt được con thứ 5 thì cả nhóm phải dừng lại vì có tranh chấp", anh Hùng nhớ lại.
Điều khiến nhóm thợ tiếc nuối là không giúp ông Bằng bắt hết đàn trâu, vốn là gia sản to lớn của nông dân. Thuê săn trâu nhưng không thành, người kia mất gần hết gia sản.
Hiểu được mối tâm tư "con trâu là đầu cơ nghiệp", nên mỗi khi được thuê, cả nhóm đều nỗ lực bắt được nhiều trâu nhất cho gia chủ. "Chúng tôi chỉ muốn giúp họ vớt vát chút nào vốn liếng", ông Minh nói.
Những ngày không có người thuê vào rừng săn trâu, nhóm thợ lại trở về cuộc sống thường ngày, làm nhiều nghề để sinh nhai.
Đầu tháng 8 vừa rồi, nhóm thợ săn 4 người do ông Lê Minh đứng đầu được xã Cam Tuyền thuê đặt bẫy, bắt 9 con trâu hoang hung dữ từng tấn công nhiều người.
Nhóm thợ đến nay hết hạn hợp đồng nhưng nhà chức trách vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc gia hạn đặt bẫy hay sử dụng súng quân dụng để bắn hạ những con còn lại.
Hoàng Táo