Dù trúng vé số với số tiền 2,3 tỷ đồng nhưng ông Trần Long - tự Bảy Xèo (56 tuổi, ngụ Thủ Đức, TPHCM) vẫn duy trì công việc quét dọn, bốc vác thuê tại chợ Thủ Đức để mưu sinh. Công việc của "tỷ phú khuân vác" bắt đầu từ 0h sáng đến khi mặt trời đứng bóng mới kết thúc.
Triết lý lao động của ông lão "tỷ phú khuân vác" (Video: Phạm Nguyễn)
Người dân khu vực chợ Thủ Đức vẫn thường gọi người đàn ông vừa trúng vé số tiền tỷ là ông Bảy Xèo. Ông Bảy đã gắn bó với nghề quét rác, bốc vác thuê ở chợ Thủ Đức đã hơn 10 năm nay. Làm việc nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ nên các tiểu thương trong chợ đều quý mến ông.
Dù đã trúng số tiền 2,3 tỷ đồng, nhưng ông Bảy vẫn duy trì công việc nặng nhọc đã gắn bó hơn 10 năm nay và giúp ông nuôi sống gia đình.
“Trời thương nên cho tôi trúng được số tiền lớn như vậy, nhưng công việc thì tôi không thể nghỉ được. Nhờ quét rác, bốc vác thuê tôi mới nuôi gia đình được đến ngày nay”, tỷ phú phu khuân vác kiêm nghề quét đọn chợ tâm sự.
Công việc của ông Bảy thường bắt đầu từ 12 giờ đêm, bắt đầu bằng việc quét dọn rác trên con đường vào chợ cho sạch sẽ trước khi tiểu thương mở cửa buôn bán. Rạng sáng, ông tiếp tục bốc vác thuê, lấy hàng từ xe tải xuống sạp chợ.
Công việc cứ xoay ông như "chong chóng". Có lúc mệt quá, ông ngồi bệt xuống hè sạp chợ tranh thủ rít điếu thuốc, ngụm trà đá xong lại lao vào công việc.
Công việc của ông Bảy Xèo bắt đầu từ 0h sáng kéo dài đến trưa mới kết thúc.
Đã hơn 10 năm nay, ông Bảy vẫn chăm chỉ với công việc quét dọn sạch rác trước chợ Thủ Đức và làm nghề bốc vác thuê cho các tiểu thương.
Dù đã trúng số tiền lớn, nhưng ông Bảy vẫn duy trì công việc hiện tại.
Ông Bảy tâm sự: “ Số tiền ấy tôi sẽ làm từ thiện một ít, còn lại sẽ gửi ngân hàng. Hàng ngày, tôi vẫn đi làm như trước đây chứ không muốn vì số tiền ấy mà làm xáo trộn cuộc sống”.
Các tiểu thương ở chợ Thủ Đức ai cũng quý mến ông tỷ phú quét rác vì tính tình thật thà, vui vẻ và nhanh nhẹn trong công việc.
Gia đình ông Bảy vốn đông anh em nhưng ai cũng nghèo khó, từ nhỏ ông Bảy đã phải lăn lộn đủ thứ nghề để mưu sinh nên ông quý trọng công sức và đồng tiền bản thân làm ra.
Có số tiền lớn, ông Bảy giao hết cho vợ giải quyết còn bản thân chỉ giữ lại chút ít đãi bạn bè, hay cho những người khó khăn làm thuê như ông ở trong chợ.
“Nếu cứ có tiền nhiều mà tiêu xài dữ dằn thì bao nhiêu cho đủ, quan trọng bản thân mình phải biết quý trọng biết giữ thì mới bền được”. Ông Bảy chia sẻ.
Trúng được số tiền lớn, mấy hôm nay ông Bảy thường đãi bạn bè cùng làm nghề ở chợ bữa bia để cảm ơn sự giúp đỡ của họ, nhưng không bao giờ ông uống quá chén để phải nghỉ việc.
Nhiều người khuyên ông trúng số tiền lớn thì nên nghỉ ngơi mà hưởng thụ, nhưng ông Bảy chỉ cười cười cho qua chuyện rồi vẫn cứ tiếp tục với công việc của mình, mặc ai nói gì nói. “ Làm việc vừa giữ sức khỏe cho mình, vừa duy trì được nguồn thu nhập bao nhiêu năm nay. Chỉ trừ khi tôi ốm đau bệnh tật không còn bốc vác được nữa thì tôi mới nghỉ”. Ông Bảy khẳng định.
Đã ở cái tuổi nhiều người nghỉ ngơi ở nhà giữ cháu, nhưng ông Bảy vẫn dành thời gian cho công việc nặng nhọc. Có lẽ vì thế mà sức khỏe ông dẻo dai, bê thùng rau cả chục ký cũng không thấy thấm vào đâu.
“Các anh, chị chủ trong chợ còn thương tôi còn tạo công việc cho tôi làm là tôi vui lắm. Dù tôi có số tiền lớn, nhưng họ vẫn vui vẻ với tôi như bao nhiêu năm trước đây”. Ông Bảy chia sẻ.
Từ khi trúng số, ông Bảy cùng vợ trích số tiền ấy làm từ thiện. Những lúc làm việc ở chợ, ông thấy người bán vé số hay những người làm thuê khó khăn lại trích ra ít tiền gửi biếu họ mua ít gạo, ít thức ăn.
Nguyễn Quang