Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Đấu trường tử chiến của voi và hổ

Đấu trường tử chiến của voi và hổ
Những cuộc tử chiến giữa voi và hổ lần đầu được tổ chức dưới thời chúa Nguyễn, vào các ngày lễ nhằm tế thần và phục vụ nhu cầu giải trí cho vua, quan lại và người dân ở cố đô Huế.

Hổ quyền được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng theo kiến trúc vành khăn. Ảnh: Võ Thạnh

Theo các tài liệu ghi chép, vào năm 1829, vua Minh Mạng cùng các quan đã ngự giá xem trận tử chiến giữa voi và hổ ở cồn Dã Viên (Huế). Trong lúc đang giao đấu, một con hổ bất ngờ bơi về phía thuyền vua, vua phải dùng sào đẩy hổ ra xa thuyền, quan quân kịp thời giết chết con hổ ngay trên sông.

Nhận thấy những trận đánh của voi và hổ tổ chức ở cồn Dã Viên không an toàn, năm 1830, vua Minh Mạng quyết định chọn thôn Trường Đá, phường Thủy Biều (Huế) ngày nay để xây dựng một đấu trường kiên cố dành cho những trận tử chiến giữa voi và hổ, được gọi Hổ Quyền.

Cấu trúc Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã, khi đấu trường lộ thiên có cấu trúc theo hình vành khăn, có hai vòng thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,8m, vòng thành ngoài cao 4,75m, dày trung bình 4,5m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m.

Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và triều thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.

Đối diện với khán đài có 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn.

Cổng chính, nơi voi đấu được dẫn vào. Ảnh: Võ Thạnh

Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có hai cánh cửa bằng gỗ, đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ "Hổ Quyền", voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An, trận đấu cuối cùng giữa voi và hổ diễn ra tại Hổ Quyền tổ chức vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Trận đấu voi và hổ này được nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An diễn tả lại trong cuốn “Quần thể di tích Huế” như sau: Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: "Con này can đảm lắm".

Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết.

Năm chuồng nhốt hổ được thiết kế bên dưới thành của đấu trường. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, đấu trường Hổ Quyền là một một di tích có ý nghĩa lịch sử lớn, đã được đưa vào danh sách các di tích sẽ được trùng tu trong giai đoạn 2016 – 2020.

Võ Thạnh

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây