Dân tố nhà máy nhiệt điện xả nước cực nóng hủy diệt hệ sinh thái
- Thứ bảy - 13/08/2016 10:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà máy xả nước cực nóng
Nước xả thải của nhà máy nhiệt điện bốc hơi nghi ngút.
Ngày 11/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản hỏa tốc giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Xây Dựng, Công Thương, Công an và UBND TP Hạ Long, khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin nhân dân phản ánh hiện tượng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh thuộc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) xả thải gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt là khí thải và nước thải); Chỉ đạo khắc phục ngay các hành vi ô nhiễm môi trường (nếu có) và xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật; Báo cáo kết quả về UBND tỉnh ngày 12/8.
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh được xây dựng tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long với tổng diện tích mặt bằng sản xuất khoảng 300 ha. Năm 2011, tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động và năm 2014, tổ máy thứ 4 cũng chính thức được vận hành.
Cùng với hoạt động sản xuất, nhà máy này cũng khiến người dân quanh khu vực ngày càng bức xúc bởi nhà máy lấy nguồn nước sông vào làm mát hệ thống máy sau đó lại xả ra môi trường nguồn nước thải quá nóng khiến hệ sinh thái bị hủy diệt. Người dân, nhất là những hộ sinh sống bằng nghề chài lưới trên dòng sông Diễn Vọng đã bị rơi vào tình cảnh khó khăn nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Chững (60 tuổi, sống ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) cho biết, ông làm nghề đánh bắt cá trên Diễn Vọng đã 40 năm nay. Trước đây tôm cá nhiều lắm, đánh bắt không xuể nhưng vài năm gần đây cá tôm hiếm dần, đánh bắt được lên cũng chết mềm nhũn như bị luộc.
Theo ông Chững, cá chết là do nước xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh xả ra sông Diễn Vọng ở khu gần cầu Bang quá nóng và có nhiều chất lạ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Báo, gia đình ông có 11.000 m2 đầm nuôi trồng thủy sản nằm cách nhà máy chừng 4 km. Năm 2013, bỗng dưng hàng loạt cá vược nuôi sắp thu hoạch trong đầm nhà ông đột nhiên chết nổi trắng đầm, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ông Báo cho rằng "thủ phạm" là do nước sông khi được bơm vào đầm quá nóng, quá đục.
Không chỉ ông Chững, ông Báo, nhiều hộ dân khác ở thôn 4, xã Thống Nhất cũng đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi chính quyền đề nghị làm rõ tình trạng xả thải gây ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện và có biện pháp khắc phục.
Cùng chung bức xúc như các hộ dân ở xã Thống Nhất, anh Vũ Văn Điều (42 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Dung (40 tuổi) sống ngay sát cạnh cửa xả của nhà máy nhiệt điện hơn 10 năm nay cho biết, trước đây mỗi ngày hai vợ chồng anh đánh bắt thủy sản ngay ở đây cũng kiếm được khoảng vài trăm ngàn đồng. “Từ khi dòng nước nóng xuất hiện thì chẳng còn bóng dáng của tôm cá nữa. Gia đình tôi phải chuyển sang mót than trôi nổi, rơi vãi dưới sông để sinh sống”, anh Điều nói.
Cơ quan chức năng kết luận "vẫn trong ngưỡng cho phép"
Trước bức xúc của người dân, từ năm 2012, cơ quan chức năng tỉnh đã vào cuộc kiểm tra tình trạng xả thải nước quá nóng ra môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh. Tuy nhiên qua rất nhiều lần kiểm tra, nước xả thải tại đây vẫn được cho là nằm trong ngưỡng cho phép.
Cụ thể vào tháng 10/2012, Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) cùng các đơn vị liên quan qua kiểm tra đã kết luận, tại thời điểm kiểm tra thực địa, hoạt động xả thải nước làm mát của nhà máy có hiện tượng gây đục dải nước ven bờ sông Diễn Vọng, lượng Clorua cao gấp 3 lần so với quy định. Nhưng nước làm mát có nhiệt độ 37,7 độ C, vẫn trong ngưỡng cho phép.
Ngày 11/8, sau khi thực hiện cuộc kiểm tra theo văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh, đoàn kiểm tra qua kiểm tra mặc dù xác định việc phản ánh của người dân về hoạt động sản xuất của Nhà máy Nhiệt điện gây ô nhiễm là có cơ sở. Đoàn kiểm tra cũng chỉ rõ tại vị trí xả nước làm mát có hiện tượng nổi váng bọt màu nâu trên mặt nước. Tuy nhiên với nhiệt độ này, theo kết luận của đoàn là vẫn nằm trong ngưỡng cho phép (40 độ C).
Người dân cho biết vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị bởi không đồng tình với kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng. Theo người dân, vào thời điểm kiểm tra, nhà máy có thể đã giảm bớt công suất, ngừng vận hành bớt các tổ máy để nước xả thải giảm nhiệt độ nên dù cơ quan chức năng có tiến hành đo bao nhiêu lần thì nhiệt độ vẫn chỉ nằm trong ngưỡng cho phép.
Lý giải về kiến nghị của người dân, ông Lê Duy Hạnh, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, nước xả ra chỉ là nước làm mát của 4 tổ máy, không có hóa chất. Còn bọt nổi lên mặt nước là do nước vẩn đục tạo nên, ở đâu cũng có.
Tuy nhiên ông Hạnh cũng thừa nhận, nhiệt độ của nước làm mát xả ra sông phụ thuộc vào việc vận hành các tổ máy. Nếu cả 4 tổ máy cùng hoạt động thì nhiệt độ sẽ cao hơn. “Thường thì nhà máy rất hạn chế hoạt động hết công suất. Nếu có cũng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn là lại phải điều chỉnh ngay để nhiệt độ giảm”. ông Hạnh nói.
Để thực mục sở thị khu vực xả thải nước nóng của nhà máy nhiệt điện, phóng viên Dân trí đã đến hiện trường nhiều lần. Không thể đi thẳng qua cửa nhà máy để vào khu xả thải, phóng viên đã được một người dân trong khu vực hướng dẫn đi vòng qua nhiều đoạn đường đồi để vào tận nơi.
Theo quan sát của phóng viên, từ xa khoảng vài trăm mét đã thấy khói trắng bốc lên mù mịt. Lại gần, ngay từ phía sát nhà máy, một dòng nước màu xanh đang ào ào đổ xuống sông, cùng với đó là những váng bọt màu nâu ngày càng lan rộng trên mặt sông. Hơi nước nóng bốc lên ngùn ngụt, nóng ran làm mờ cả ống kính máy ảnh, màn hình điện thoại. Lẫn trong gió là mùi tanh và khi nước tràn lên bờ sờ thấy trơn nhẫy.
Phóng viên định thò tay xuống nước nhưng người dẫn đường gạt tay và nói, nước rất nóng, có thể làm bỏng tay. Người này cho biết nhiệt độ trong nước cao điểm có thể tới 60 độ C.
Để xác minh chính xác nhiệt độ của nước được xả ra từ ống xả nhà máy này, trong hai ngày (10 - 11/8), chúng tôi đã sử dụng nhiệt kế thông thường để đo nhiệt độ tại đây. Kết quả trong nhiều lần đo ở 3 địa điểm trong khu vực đều vượt trần nhiệt kế (42,7 độ C).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND phường Hà Khánh cho biết, trong các lần đi kiểm tra địa bàn có thấy hơi nước bốc lên tại khu vực cống xả nhà máy, tuy nhiên chưa kiểm tra vì không phải thẩm quyền của UBND phường. “Việc môi trường ở xung quanh các nhà máy bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Để xác định cụ thể thì cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn”, ông Thảo chia sẻ.
Hải Sâm – Tuấn Hợp