Dân phố cổ kêu khổ vì không gian đi bộ hồ Gươm
- Thứ ba - 13/09/2016 03:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau 2 tuần Hà Nội thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, nhiều bất cập nảy sinh với người dân sống và kinh doanh tại các tuyến phố trong không gian này.
Không gian đi bộ hồ Gươm được cho là ít các hoạt động văn hóa nghệ thuật và dịch vụ phục vụ nhu cầu người dân và du khách. Ảnh: Ngọc Thành. |
Chị Quỳnh Anh (Ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm) cho biết, công việc của chị là kinh doanh online tại nhà, khách mua hàng chỉ cuối tuần mới rảnh qua xem hàng. Bây giờ khách đến phải gửi xe khá xa cửa hàng nên có người đã bỏ đi. Chưa kể việc dắt xe đi bộ hàng trăm mét với con gái cũng khó khăn vì chị đa phần đi guốc cao gót.
Cùng ở địa chỉ trên, chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ chia sẻ câu chuyện thứ 7 tuần trước trong ngõ có đám cưới, đoàn đi đón dâu về xin mãi công an mới cho xe chở cô dâu vào, còn tất cả xe theo đoàn phải gửi rất xa, thời tiết nắng nóng nên gây bức xúc cho nhiều người.
"Việc cấp thẻ ra vào cho phương tiện, mỗi xe được một thẻ, nhà có khách, bạn vè người thân đến chơi không thể đi xe vào, lại tốn tiền gửi xe nên gây bất tiện", chị Thủy nói.
Người dân sống trong khu vực thí điểm không gian đi bộ được cấp thẻ ra vào. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cũng nói tới khó khăn trong kinh doanh khi thành phố thí điểm phố đi bộ, chị Đặng Thị Phương (của hàng bánh mỳ 13 Hàng Khay) cho hay, từ khi hồ Gươm thành phố đi bộ, quán vắng hơn vào ban ngày thứ 7, chủ nhật. Buổi tối, quán đông hơn nhưng không nhiều so với trước kia.
Chủ cửa hàng nhỏ bán đổ cổ, đồ lưu niệm trên phố Hàng Khay, chị Lê Thanh Hường cho rằng không nên để hồ Gươm là phố đi bộ vào ban ngày thứ 7 và chủ nhật, vì không gian sẽ rất vắng vẻ.
“Những người đi bộ để vui chơi hoặc tập thể dục từ trước nay họ vẫn như vậy, mọi người thường không vào khu vực này để mua đồ, trừ khách du lịch. Nhất là vào mùa đông, trời rét không biết khu phố này còn vắng thế nào”. Theo chị Hường cần điều gì đó thu hút người đi bộ như văn hóa, văn nghệ hoặc đường hoa, nếu không người dân đi bộ để làm gì?
Chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Diệu Hương (Hàng Khay) cho biết: “Chỉ nên cấm vào tối 7 và chủ nhật thôi, vì người dân ở đây còn buôn bán kiếm sống nữa”.
Theo chị Hương, không chỉ khó khăn trong kinh doanh, vào hai ngày cuối tuần, các nút giao xung quanh tuyến phố đi bộ thường bị ùn tắc nên “nhà ở Hàng Khay, nhưng vì ùn tắc nên đi từ Tràng Tiền ra Ngô Quyền và mất nửa tiếng mới về đến nhà”.
Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho hay các tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và khu bảo tồn cấp 1 (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện) không cấm ôtô, xe máy lưu thông vào ban ngày. Các tuyến phố này chỉ cấm phương tiện giao thông từ 19h đến 24h trong 3 ngày cuối tuần.
Việc phải dắt xe về nhà gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Ảnh: Ngọc Thành. |
Các tuyến phố bị cấm phương tiện lưu thông từ 19h thứ sáu đến 24h chủ nhật nằm trong không gian đi bộ mới thí điểm quanh hồ Hoàn Kiếm.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, những hộ dân sinh sống cũng như các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong khu vực này được cấp thẻ ra vào nhưng phải dắt xe máy hoặc gửi ở nơi gần nhất. Tất cả những điểm trông giữ phương tiện được bố trí đều được thông báo cho nhân dân nắm được.
Về phản ánh không nên duy trì phố đi bộ vào ban ngày thứ 7 và chủ nhật, ông Phong thông tin, qua kiểm tra thực tế, vào sáng ngày 11/9 số lượng người dân đến vui chơi tại không gian đi bộ khoảng vài nghìn người, vào buổi trưa ít hơn nhưng đến tối lại tăng lên 12.000-15.000 người.
Việc thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận kéo dài từ 1/9 đến hết năm 2016.
Nhóm phóng viên