Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Tôi sẵn sàng tranh luận với bộ trưởng
- Thứ năm - 20/10/2016 14:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
VnExpress có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện huyết học, truyền máu Trung ương, một trong hai người tự ứng cử thành công khoá này) nhân dịp khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14.
GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Võ Hải |
- Một trong những điểm mới của kỳ họp lần này là khuyến khích tranh luận trên nghị trường. Dự kiến, ngoài việc đăng ký phát biểu bằng ấn nút điện tử, đại biểu có thể giơ biển xin tranh luận. Quan điểm của ông?
- Cái này mới quá, hay quá. Lâu nay nhiều người dân nhận xét “sao Quốc hội họp lâu thế”, trong khi tham gia sinh hoạt nghị trường, tôi thấy thời gian rất khẩn trương, nhiều khi không đủ để đại biểu nêu hết ý kiến của mình. Mà nói không hết ý thì dễ bị hiểu nhầm, đặc biệt trong bối cảnh không phải ai cũng đồng nhất suy nghĩ do hoàn cảnh, vị trí khác nhau. Chưa kể đại biểu nói không hết ý thì truyền thông ra công chúng có thể sai lệch.
Nghị trường là phải có đối thoại, nêu câu hỏi, trao đi đổi lại, tạo không khí và điều quan trọng là để các bên đi đến cùng vấn đề. Tất nhiên, tranh luận không phải là “liên tu bất tận”, ở đây phụ thuộc vào điều hành của chủ toạ và kỹ năng nêu vấn đề của đại biểu, nhiều khi chỉ nói thêm trong 3 phút cũng rất giá trị.
- Thực tế có nhiều đại biểu thẳng thắn, tâm huyết, nhưng cũng có người ít thể hiện chính kiến và ít tham gia tranh luận. Ông thì sao?
- Đúng là trong Quốc hội có người “ngại va chạm”, nhưng cũng có người “quyết liệt trong va chạm”, nhiều đại biểu thẳng thắn, trí tuệ và nhiệt huyết, thậm chí là sôi sục...
Theo tôi, những người ít phát biểu có thể do thiếu tự tin, chưa quen với sinh hoạt nghị trường, hoặc không nắm được vấn đề. Bản thân tôi là giáo sư đại học 30 năm, có thể diễn thuyết 2 ngày liền ở giảng đường, nhưng đứng lên nói ở Quốc hội là một chuyện khác. Thường mỗi đại biểu chỉ có thế mạnh trong một lĩnh vực, ví dụ với tôi là lĩnh vực y tế.
Cũng không loại trừ việc đại biểu nào đó "ngại va chạm” do công việc họ đang phụ trách, không muốn đụng chạm đến ông A, bà B. Giải quyết vấn đề này như thế nào? Phải xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp, các đại biểu chuyên nghiệp, nghĩa là chúng ta phải nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên.
Cá nhân tôi không ngại va chạm, vì tôi nhận thức mình nói gì, làm gì cũng là đóng góp cho việc chung, sao phải ngại. Tôi tâm niệm mình phát biểu hay không phát biểu cũng là trách nhiệm. Muốn phát biểu phải hay, đúng, sâu sắc, vì phát biểu ở nghị trường được tính từng phút (mỗi đại biểu có 7 phút cho một lần phát biểu). Thế nên đại biểu quốc hội phải làm mình sâu sắc lên, hiểu biết thêm để phát biểu có chất lượng.
- Ông có sẵn sàng tranh luận với các bộ trưởng, trưởng ngành trong đó có Bộ trưởng Y tế - là người phụ trách lĩnh vực ông công tác?
- Tôi nghĩ rằng các bộ trưởng là chính khách, họ trưởng thành qua nhiều công việc nên tranh luận không phải điều gì lạ. Tôi đã chứng kiến nhiều lúc trên nghị trường có những phát biểu, chất vấn rất căng, nhưng sau đó giữa đại biểu và bộ trưởng ra hành lang vẫn bắt tay bình thường. Chính vì vậy, như tôi đã nói là tôi luôn sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của một người đại biểu nhân dân, dù đó là thảo luận, tranh luận hay chất vấn.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 sẽ diễn ra trong 26 ngày. Ảnh: Giang Huy |
- 26 ngày làm việc sắp tới của Quốc hội, ông quan tâm những nội dung nào nhất?
- Tôi vừa nhận được tài liệu chuẩn bị kỳ họp và thấy khối lượng công việc khổng lồ, rất nhiều nội dung phải giải quyết như an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, ngân sách, xây dựng pháp luật…
Một trong những lĩnh vực tôi quan tâm nhất là môi trường. Từ vụ việc nóng bỏng như sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, cho đến tình trạng khói bụi ở Hà Nội, TP HCM… Tôi mới trở về từ Dubai, xứ sở sa mạc có bão cát và tôi thấy đô thị chúng ta bụi mù không kém gì bên đó. Thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau, hiện tượng cá chết không chỉ diễn ra ở vùng biển gần bờ 4 tỉnh miền Trung, mà còn ở nhiều dòng sông, nhiều ao hồ khắp cả nước, mới đây là ở hồ Tây ngay giữa trung tâm Thủ đô. Chúng ta không thể thờ ơ được nữa rồi. Nếu chính quyền và người dân không cùng nhau có những giải pháp cấp bách, ô nhiễm môi trường sẽ làm cho việc chăm sóc sức khoẻ của người Việt ngày càng nặng gánh, với nhiều loại bệnh khác nhau trong đó có bệnh ung thư.
Ngoài ra, làm trong lĩnh vực y tế, tôi cũng quan tâm đến nhiều vấn đề mà theo tôi đang rất nóng bỏng như bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện…
- Muốn giữ gìn môi trường thì điều quan trọng là ý thức không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Ý kiến của ông?
- Trước đây, ai đó có thể “tặc lưỡi” để có dự án, có nhà máy với suy nghĩ “chúng ta còn nghèo”. Tư duy đó đã lãng quên điều quan trọng nhất với con người, đó là môi trường sống. Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì tư duy đó là không thể chấp nhận được.
Tôi lấy ví dụ cũng là dòng sông Tô Lịch, thời tôi mới ra Hà Nội năm 1976, sông không ô nhiễm, đến thập kỷ 80 bắt đầu có mùi và những năm gần đây thì kinh hồn. Bây giờ nếu không xử lý sông Tô Lịch, không chỉ có mùi hôi, đây còn là nguồn gây bệnh cho nhân dân.
Nhiều khi tôi nghĩ rằng, nếu trong nhiệm kỳ mà vị lãnh đạo nào đó ở Hà Nội, ở TP HCM "cứu" được một dòng sông, thì chắc chắn người dân sẽ tôn vinh. Theo tôi, công việc này không khó, điều quan trọng là quyết tâm chính trị và cách thức huy động các nguồn lực. Chẳng hạn như cầu quay sông Hàn được làm dựa vào những đồng tiền chắt chiu của người dân Đà Nẵng.
Vừa rồi Hà Nội khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Yên Xá, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, được cho là sẽ làm "sống" lại sông Tô Lịch, tôi với tư cách công dân Thủ đô đã lập tức nhắn tin cảm ơn một vị lãnh đạo thành phố.
Võ Thành - Võ Hải (thực hiện)