Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chuyên gia nói gì về hai trường hợp tử vong sau khi gây mê ở BV Trí Đức

Chuyên gia nói gì về hai trường hợp tử vong sau khi gây mê ở BV Trí Đức
Sốc phản vệ là một trong những tai biến đòi hỏi các bác sĩ gây mê luôn phải sẵn sàng để đối phó vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Liên quan đến sự việc hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê tại Bệnh viện Trí Đức, bà Trần Thị Nhị Hà – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hai trường hợp trên tử vong nghi do sốc phản vệ . Đồng thời, báo cáo của Sở Y tế chỉ rõ, cả hai bệnh nhân tử vong này đều được dùng chung thuốc tiền mê và gây mê giống nhau, sau đó có biểu hiện sốc phản vệ.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho biết, tai biến, sốc phản vệ có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh, bao gồm thuốc men, vắc xin.

“Trong nghề của chúng tôi, sốc phản vệ được xem là một cái gì đó đầu tay, đòi hỏi bác sĩ luôn phải sẵn sàng để đối phó với nó vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, PGS Thắng cho hay.

Theo PGS Thắng, một kíp gây mê bao giờ cũng gồm một bác sĩ gây mê và một điều dưỡng phụ mê. Điều dưỡng phụ mê là người chịu trách nhiệm toàn bộ về phương tiện, dụng cụ, thuốc men và đường truyền, máy theo dõi để phụ giúp cho bác sĩ gây mê. Còn bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn, tức các quyết định về kỹ thuật gây mê, các thủ thuật trên người bệnh.

 

Bệnh viện Trí Đức Hà Nội, nơi xảy ra sự việc hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê.

“Trước khi bước vào phòng phẫu thuật để tiến hành gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám bệnh nhân trước mê, chuẩn bị bệnh nhân trước mổ. Các thăm khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm là bắt buộc”, PGS Thắng cho hay.

PGS Thắng cho rằng tất cả các vấn đề liên quan đến chức năng sống của bệnh nhân đều phải được thăm khám, thăm dò và tìm hiểu một cách kỹ càng. Ngay cả những điều không thể nhìn bằng mắt thường, bác sĩ gây mê cũng buộc phải nhìn thấy.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Hoàng Công Đắc cho rằng, trong nhiều trường hợp, sốc phản vệ có nguyên nhân do cơ địa của bệnh nhân, nhưng trong trường hợp hai bệnh nhân cùng tử vong cùng ngày, do cùng một loại thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức mới đây, nghi vấn có thể do thuốc sử dụng cho bệnh nhân. Đây là vấn đề cần làm rõ.

Theo PGS Đắc, một trong những nguyên nhân gây tử vong là tác dụng phụ của thuốc gây mê. Tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu và những người mắc bệnh nặng, có nguy cơ cao như bệnh tim (van tim, mạch vành), tiểu đường, bệnh về máu, hen suyễn, bệnh phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Mặt khác, sự lựa chọn thuốc gây mê trên những bệnh nhân này cũng bị giới hạn.

Trước đó, tại Bệnh viện Trí Đức (Hà Nội) đã xảy ra hai trường hợp tử vong sau khi gây mê. Theo đó, bệnh nhân Quách Thị Mai P. (sinh năm 1979, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đến bệnh viện đã phẫu thuật u tuyến giáp và Hoàng Văn Tr. (sinh năm 1982, ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) đến bệnh viện để cắt amidan.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây