Chồng bị vô sinh nhưng lại cho rằng nguyên nhân “không biết đẻ” là do vợ
- Thứ bảy - 20/08/2016 23:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 20/8, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 4 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản và Tổng kết Tuần lễ vàng Ươm mầm hành phúc với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực sản khoa và thụ tinh trong ống nghiệm.
Tại Hội thảo, GS Trần Thị Phương Mai - Giáo sư cố vấn chuyên môn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tỷ lệ vô sinh đang ngày càng gia tăng.
Theo đó, tỷ lệ vô sinh nam chiếm 40%, vô sinh nữ chiếm khoảng 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng, còn lại 10% là chưa rõ nguyên nhân. Theo GS Mai, nguyên nhân của vô sinh nam gồm: Các bất thường về tinh trùng chiếm 70%: không tinh trùng, tinh trùng ít, yéu, dị dạng… Rối loạn về cương, không xuất tinh chiếm 20%, chưa rõ nguyên nhân 10%.
Còn đối với nữ, nguyên nhân của vô sinh gồm có tắc 2 vòi tử cung chiếm 35%, rối loạn phóng noãn chiếm khoảng 35%, lạc nội mạc tử cung 20% và rõ nguyên nhân 10%.
BS Lê Thị Thu Hiền đang tiến hành chuyển phôi cho một bệnh nhân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Lê Thị Thu Hiền (Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, PGĐ Bệnh viện Nam học – Hiếm muộn Hà Nội) cho rằng, hiện nay nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn chia đều cho cả nam và nữ. Tuy nhiên không ít trường hợp các ông chồng luôn luôn đổ cho vợ “không biết đẻ”, điều đó không chỉ tổn thương đến người phụ nữ mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị vì phát hiện bệnh khi đã muộn.
“Qua thực tế khám, không ít ông chồng bất ngờ khi nguyên nhân do mình chứ không phải là người vợ. Tuy nhiên, do chủ quan và luôn đổ nguyên nhân vô sinh là do người vợ, nên khi phát hiện ra bệnh thì nhiều trường hợp đã quá muộn”, BS Hiền chia sẻ.
Về vấn đề điều trị GS Mai cho biết, đối với các trường hợp vô sinh, hiếm muộn vẫn có thể có thai nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đang được áp dụng khá phổ biến.
“Tỷ lệ thành công của các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay khá cao, đặt khoảng 40% và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: bệnh nhân, vào số lượng, chất lượng phôi, phác đồ kích thích buồng trứng …
Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại một số biến chứng không mong muốn như: Hội chứng quá kích buồng trứng, đáp ứng kém với kích thích buồng trứng, mang đa thai, chửa ngoài tử cung…”, GS Mai cho biết.
Cũng trong buổi Hội thảo này, sau 4 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản, thuộc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, BS Nguyễn Khắc Lợi (GĐ Chuyên môn Bệnh viện) chia sẻ: Nhìn lại chặng đường phát triển trong thời gian qua, dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng Khoa Hỗ trợ sinh sản cũng như bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ không ngừng nỗ lực trong thời gian tới.
Với mong muốn mang đến niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng chẳng may mắc hiếm muộn tìm thấy tiếng cười thơ trẻ, chúng tôi ngoài những nỗ lực chuyên môn còn luôn cập nhật những phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả nhất hiện nay từ các chuyên gia đầu ngành để có thể chữa trị đa dạng cho các trường hợp khó lẫn phổ biến. Hội thảo này cũng không nằm ngoài mục đích đó.”
Được biết, trước đó từ ngày 8 đến 20/8, bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tổ chức Chương trình "Tuần lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc – Hành động hôm nay, cha mẹ ngày mai" đã thu hút được nhiều người quan tâm.
Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình. Sau hai tuần diễn ra, chương trình đã tiếp nhận hơn 1500 cặp vợ chồng đến khám và điều trị.