Cậu bé lượm ve chai xếp dép cho bạn: "Con ước có một quyển tập tô và cây viết"
- Thứ tư - 08/03/2017 09:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bức hình cậu bé lượm ve chai hồn nhiên xếp dép cho các bạn dã ngoại ở nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) đã khiến nhiều người xúc động và giật mình khi nghĩ về số phận của một đứa trẻ tuy nghèo nhưng…giàu ý thức.
Sau khi khoảnh khắc đẹp ấy được chia sẻ và lan tỏa trên mạng xã hội, chúng tôi đã đến phía sau nhà thờ Đức Bà mong tìm gặp hai mẹ con chị nhặt ve chai. Theo những người bán hàng rong quanh Bưu Điện Thành phố, sáng nào cũng vậy, hai mẹ con chị sẽ qua đây nhặt ve chai và ngồi nghỉ ở một góc vỉa hè.
Khoảng 9 giờ, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng dáng một người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm, tay cầm chiếc bao tải lớn. Chạy theo sau là một thằng nhóc chừng 3-4 tuổi rất lanh lợi và đáng yêu. Thấy chúng tôi, chị rụt rè và có chút sợ hãi trong khi cậu nhóc trái ngược hoàn toàn. Bé tiến sát lại chúng tôi và niềm nở cúi chào.
"Tôi thấy người ta bảo bé Đạt sẽ được đi học nhưng hiện tại vẫn chưa có ai đến nhận"
Ngồi gọn trong góc nhỏ, chị Nguyễn Thị Phương Linh (26 tuổi- Quảng Ngãi) bắt đầu chia sẻ về chuyện hai mẹ con được nhiều người biết đến. Chị kể: “Hôm trước, một chú nhiếp ảnh chụp hình thằng nhóc rồi chia sẻ lên mạng. Ngay hôm sau, nhiều người đã đến tìm mẹ con tôi. Lúc đầu, tôi sợ lắm, phải đưa con lánh sang bên kia đường. Rồi mấy anh chị bảo, họ có ý tốt đến giúp đỡ nên mẹ con mới dám quay về đây”.
Chị Linh cho biết thêm, nhờ bức ảnh được đưa lên mạng, chị đã được một công ty nhận vào làm: "Ngày hôm qua, tôi được họ đưa đi khám sức khỏe”. Tuy nhiên, khi nhắc tới câu chuyện con trai chị - bé Nguyễn Danh Thành Đạt (4 tuổi) được một trường nhận vào học, người phụ nữ một mình nuôi con giữa chốn Sài thành chia sẻ: “Tôi thấy người ta bảo vậy, chứ chưa có ai đến nhận hết”.
Sáng nào cũng vậy, hai mẹ con chị Linh sẽ qua Bưu Điện Thành phố nhặt ve chai và ngồi nghỉ ở một góc vỉa hè
Kể về cuộc sống của hai mẹ con, chị Linh cho hay, trước kia, chị làm công nhân nhưng công ty gặp khó khăn nên chị buộc phải xin nghỉ việc. Để có tiền, chị chuyển sang nghề nhặt ve chai hoặc làm mướn kiếm sống.
“Thất nghiệp, tôi và thằng nhóc lang thang khắp thành phố. Có một hôm thằng nhóc thấy người ta bỏ ve chai nhiều bảo tôi là: Mẹ ơi! Đi lượm ve chai về mua sữa cho con uống. Thế là, tôi và con nhặt đồ bỏ đi từ đó”, chị Linh tâm sự.
Hiện tại, hai mẹ con bé Đạt trọ ở Thủ Đức. Mỗi sáng, chị và bé đi xe bus đến nhà thờ Đức Bà lượm ve chai. Chiều chiều, hai mẹ con lại đón xe bus về. Những ngày như vậy, chị Linh kiếm được khoảng 40 nghìn đồng. Số tiền đó chị dành một nửa để mua đồ ăn cho hai mẹ con, số còn lại, chị bỏ ống heo tiết kiệm phòng lúc ốm đau.
“Con ước có một quyển tập tô và cây viết…”
Trong khi chúng tôi trò chuyện với chị Phương Linh, bé Đạt không chịu ngồi im một chỗ. Bé chạy nhảy khắp phố và tới các thùng rác tìm chai, lọ bỏ đi. Khi mẹ gọi vào, Đạt hướng ánh mắt vào quyển sổ. Dường như, đứa trẻ 4 tuổi ấy rất khao khát được đến trường, học con chữ như bao đứa trẻ khác.
Bé chạy nhảy khắp phố và tới các thùng rác tìm chai, lọ bỏ đi
Đưa cây viết và quyển sổ cho Đạt, bé bắt đầu đặt xuống lòng và nguệch ngoạc từng con số. Thậm chí, bé còn chỉ và đố chúng tôi đây là số mấy. Sau khi chúng tôi trả lời, Đạt bất ngờ phản ứng: “Cô sai rồi! Nó không phải số 1, nó là số 19”. Ít ai nghĩ rằng, thằng nhóc 4 tuổi, không được đi học có thể nhận biết mặt số nhanh đến vậy!
“Trước đây, thằng nhỏ đã từng đi lớp và có thể đếm được từ 1 đến 10. Mấy tháng trước, tôi nói với nó rằng mẹ không còn tiền, con phải nghỉ học. Mai mốt bà cố gửi tiền, mẹ sẽ cho con đi học tiếp. Nghe thấy vậy, nó khóc mấy hôm đòi đến lớp. Chỉ cần đi qua trường mầm non, nó lại khóc và đòi vào trong. Dần dần, nó hiểu được hoàn cảnh nên không đòi nữa. Thi thoảng, mấy người lại dạy nó đếm số nên đã đếm được nhiều số hơn”, chị Linh buồn rầu.
Bé Đạt đặt cuốn sổ vào lòng và nguệch ngoạc từng con số
Khi hỏi bé Đạt ước mơ gì, bé lí nhí: “Cô ơi! Con muốn có một quyển tập tô và cây viết. Con ước được đến trường như các bạn…”. Điều ước đó tưởng chừng giản đơn nhưng với đứa trẻ nghèo, mồ côi cha lại là một thứ gì đó rất xa vời, không thể chạm tới.
Bước vào hiệu sách, bé Đạt khiến chúng tôi giật mình thêm lần nữa. Thay vì đi cả dép vào trong, Đạt đã ngay ngắn xếp gọn dép ở ngoài. Tình cờ, một quyển sách rơi xuống đất, bé chạy vào nhặt và để gọn trên giá. Chính khoảnh khắc đó khiến chúng tôi chạnh lòng nhận ra: Có những hành động, người lớn phải học từ một đứa trẻ nghèo.
Cầm tập tô trên tay, bé Đạt vui hơn rất nhiều. Đặc biệt, bé không còn chạy nhảy lung tung, chỉ ngồi im một chỗ chăm chú mở từng trang sách.
Cầm tập tô trên tay, bé Đạt không còn chạy nhảy lung tung, chỉ ngồi im một chỗ chăm chú mở từng trang sách
Tạm biệt hai mẹ con bé Đạt, chúng tôi nặng trĩu trong lòng và nghĩ đến số phận của cậu bé nghèo giàu lòng nhân ái, ham học. Giá như Đạt được sinh ra trong một gia đình ấm no, đủ ba mẹ, có lẽ tuổi thơ của bé sẽ đẹp hơn biết bao. Mong rằng, hai mẹ con luôn bình an, gặp may mắn.
Bé Đạt nhẹ nhàng dựa lưng bên mẹ và đếm từng con số trên tờ vé cũ
Em ước mơ có một quyển tập tô và cây bút viết...
...Ước muốn tưởng chừng giản đơn nhưng với đứa trẻ nghèo, mồ côi cha lại là một thứ gì đó rất xa vời, không thể chạm tới
Chị Linh chỉ cho bé Đạt từng hình trong quyển tập tô. Đó là khoảnh khắc đẹp và hạnh phúc nhất của mẹ con chị!