Cần tiêm vắc xin ngừa thuỷ đậu cho trẻ đầu năm học mới
- Thứ năm - 18/08/2016 09:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủy đậu dễ lây lan thành dịch và có thể gây biến chứng nguy hiểm
Những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp thường lây lan khá nhanh và khó phòng ngừa, đây cũng là nguyên nhân thủy đậu dễ bùng phát thành dịch ngay cả khi ban đầu chỉ có một đứa trẻ mắc bệnh. Vì vậy, cứ đến mùa tựu trường, các bậc phụ huynh lại bắt đầu với những công tác phòng ngừa dịch bệnh cho con. Chị T.D, có con đang học lớp 3 tại trường bán trú ở quận Bình Tân chia sẻ: “Để bảo vệ con, cứ nghe nói bệnh nào có thể phòng ngừa bằng vắc xin thì mình đều cho bé đi tiêm phòng đầy đủ. Mình vừa cho con tiêm ngừa thủy đậu trong đợt hè này. Mặc dù biết đây là bệnh lành tính nhưng biến chứng của nó cũng nguy hiểm nên mình chọn phòng bệnh cho con hơn là chữa bệnh”.
Thật vậy, thủy đậu là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước (nốt đậu) mọc ở mặt, tay, chân… thậm chí cả toàn thân. Tuy nhiên, các mụn nước dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến lở loét và vi trùng dễ xâm nhậm từ các mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, bệnh còn có thể dẫn dến những biến chứng nặng hơn như: viêm não, viêm màng não, viêm phổi… để lại những di chứng nặng nề như bại não, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, thậm chí tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết: “Không giống như những bệnh khác, sau khi khỏi bệnh, siêu vi Varicella gây ra bệnh thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Khi hệ miễn dịch của người bệnh suy yếu, Varicella sẽ gây ra bệnh zona với các sang thương ở da dưới dạng các nang biểu bì, u mỡ, mụn cơm và nốt ruồi. Vì vậy để phòng ngừa bệnh, tiêm vắc xin vẫn đang là biện pháp hiệu quả và có tác dụng lâu bền nhất”.
Tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
Vắc xin phòng bệnh thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, được khuyến khích tiêm ngừa phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Đại đa số 80-90% người đã được chủng ngừa có khả năng phòng bệnh tuyệt đối, 10% còn lại có thể bị nhiễm thủy đậu sau khi tiêm nhưng cũng chỉ bị nhẹ và nổi rất ít mụn nước. Trẻ em là đối tượng cần tiêm ngừa quan trọng nhất vì bệnh sẽ dễ lây lan trong môi trường cộng đồng và bùng phát thành dịch, ngoài ra sức đề kháng của các em còn yếu sẽ dễ bị những biến chứng nguy hiểm hơn. Chị T.T - phụ huynh của bé đang học tại trường Mầm non 19 tháng 5 (Q.1 – TP.HCM) chia sẻ: “Ở trường, bọn nhỏ thường dùng chung đồ chơi, cùng ăn ngủ nên rất dễ tiếp xúc trực tiếp với nhau, chỉ cần một bé bị bệnh thì những bé khác đều có nguy cơ bị lây nhiễm cao, nên bệnh nào phòng được bằng vắc xin là mình đều hỏi ý kiến bác sĩ và tiêm ngừa đầy đủ cho con. Đợt này mình cũng cho bé tiêm vắc xin ngừa thủy đậu để phòng bệnh hiệu quả hơn”.
Theo bác sỹ Tuấn, hiện tại phương pháp phòng bệnh thủy đậu tốt nhất và tránh những biến chứng nguy hiểm chính là tiêm vắc xin phòng bệnh để bé có kháng thể chống lại vi rút này. Bên cạnh tiêm vắc xin, để phòng bệnh cho con, bố mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng, tập thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên nhắc trẻ rửa tay sạch sẽ… Khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần cách ly trẻ ở nhà, không nên đưa trẻ đến trường để tránh lây lan. Ngoài ra, nếu tiếp xúc với người bệnh trong vòng 3 ngày, trẻ em và người lớn vẫn có thể tiêm ngừa vì vắc xin có thể phát huy tốt chức năng bảo vệ ngay sau đó. Độ tuổi tiêm: thuốc có thể tiêm cho trẻ trên 12 tháng. Sau khi tiêm trẻ vẫn có thể mắc bệnh, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm trước mùa tựu trường để tránh dịch bệnh khi nhiều trẻ đồng loạt tập trung và trường hợp trẻ nhiễm bệnh sau khi tiêm sẽ hạn chế sự trầm trọng của bệnh.
Anh Minh