Bộ GD&ĐT trả lời việc thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung đang gây tranh cãi
- Thứ bảy - 24/09/2016 07:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học
Theo đó, kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích:
“Ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc. Học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.
Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.
Đưa tiếng Nga, tiếng Trung vào nhà trường đang gây tranh cãi (Ảnh minh họa)
“Ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học.
Như vậy, một trong những nhiệm vụ của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" (gọi là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) là học sinh tốt nghiệp tiểu học, trung học và trung học phổ thông sẽ đạt trình độ bậc 1, 2 và 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ.
Về việc tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình.
Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông".
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có hoạt động xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.
Cần có lộ trình chuẩn bị
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thông báo, việc dạy tiếng Nga và tiếng Trung sẽ liên tục trong suốt 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12. Thời gian thí điểm bắt đầu dự kiến là từ năm học 2017, nghĩa là còn khoảng 1 năm nữa. Đây là lý do khiến cho đông đảo chuyên gia giáo dục, giáo viên lẫn phụ huynh lo lắng bởi 1 năm là quá gấp gáp.
Xem clip tại đây:
Video khai thác từ VTV
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên trưởng khoa phiên dịch Nga-Anh-Pháp-Trung, Đại học Hà Nội cho biết: "Tôi thấy mừng vì sau một thời gian bỏ bẵng thì việc học các tiếng Nga, Trung đã được phục hồi. Thế nhưng, sự chuẩn bị cho phục hồi này lại quá gấp gáp. Thứ nhất, đội ngũ tiếng Nga kinh nghiệm dạy lâu năm đã tan tác, đội ngũ mới để dạy được thì chưa đủ. Muốn dạy tốt lại phải có chương trình giáo trình tốt. Đây là chủ trương đúng nhưng hơi gấp gáp.
Bên cạnh đó, ngoại ngữ thì phải có nhu cầu thực. Học sinh học thì phải nghĩ đến lúc ra trường sẽ làm gì, sử dụng thế nào. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên có cuộc khảo sát nhu cầu thực tế và càng khảo sát kỹ thì khi thực hiện càng hiệu quả".
Theo thầy Vũ Thế Khôi, để chuẩn bị giáo trình, đội ngũ giáo viên tốt để thực hiện thì phải cần ít nhất 3-5 năm. "Khi đã làm thất bại thì làm lại rất khó", thầy Khôi bày tỏ.