Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


"Bão" châu chấu từ Lào sang Việt Nam, chuyên gia hiến kế tận diệt

"Bão" châu chấu từ Lào sang Việt Nam, chuyên gia hiến kế tận diệt
Muốn diệt được châu chấu mà vẫn đảm bảo an toàn môi trường, chuyên gia khuyên sử dụng loại nấm ký sinh côn trùng để phun vào quần thể loài này. 

Do thiếu thức ăn nên thời gian gần đây, hàng nghìn con châu chấu từ rừng bắt đầu tràn xuống những cánh đồng ngô, mía của người dân huyện Sốp Cộp (Sơn La), gây hại cho cây trồng và hoa màu.

"Đó là châu chấu tre xuất hiện từ năm 2015 và tràn sang từ Lào, nơi có dịch châu chấu. Chúng có bộ giáp cứng và mùi hôi nên không thể ăn được, nhưng dùng phân bón lúa rất tốt", ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La nói.

Hiện số châu chấu ở khu trồng trọt của người dân đã được tỉnh Sơn La xử lý bằng biện pháp phun thuốc và bắt thủ công. Còn trên rừng, số lượng loài lan ra trong bán kính 30 km, nên việc phun thuốc không hiệu quả.

Châu chấu từng phá hại mùa màng ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) vào tháng 7/2016. Ảnh: VOV..

Theo tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, Viện bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), muốn diệt châu chấu mà vẫn giữ được môi trường an toàn thì nên sử dụng nấm ký sinh côn trùng metarhizium phun vào quần thể loài. Khi đó một số con bị bệnh và lan truyền ra cả đàn rồi chết dần.

Việc phun hóa chất theo chuyên gia này không hiệu quả cao. "Châu chấu di cư hết vùng này đến vùng khác, lại đẻ trứng nhiều ở dưới đất, nếu dùng hóa chất thì chỉ diệt được lượng cá thể tại thời điểm đó, còn trứng tiếp tục nở con non và phát triển thành quần thể", ông Nhạ phân tích và cho biết các nước trên thế giới đều sử dụng nấm ký sinh côn trùng để diệt châu chấu.

Một chuyên gia khác cũng khuyên nên dùng giải pháp trên. Nấm ký sinh khi tiếp xúc cơ thể côn trùng sẽ xâm nhập vào các lớp biểu bì và khiến côn trùng chết. Nấm này không gây hại cho con người và các loài động vật khác.

Trong khi đó, theo ông Nghị, tháng 9-10 châu chấu già và ăn ít đi, lực lượng chức năng sẽ theo dõi khu vực chúng tập trung để thực hiện biện pháp tiêu diệt như đào ổ trứng, bắt thủ công, hoặc có thể "hy sinh" đốt rừng nếu mật độ châu chấu cao. Bên cạnh đó về mùa đông chúng sẽ chết dần vì là loài máu lạnh.

Kể từ năm 1953, đây là lần thứ hai Sơn La xuất hiện lượng lớn châu chấu gây hại cho mùa màng. Tại các địa phương thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Phù Cừ (Hưng Yên) cũng từng xuất hiện dịch châu chấu.

Châu chấu non thường xuất hiện từ tháng 4 khi có những trận mưa đầu mùa giúp trứng nở, kéo dài tới tháng 9-10. Châu chấu trưởng thành xuất hiện từ tháng 6 với mật độ cao và phá hoại mạnh nhất vào tháng 8 - 9. Thời gian châu chấu trưởng thành, sống và phá hại kéo dài 5 - 6 tháng.
 

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây