Ăn tiết canh trong dịp Tết, 3 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch
- Thứ sáu - 03/02/2017 17:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 03/02, BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết), chỉ tính riêng từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 Tết, khoa đã tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện cấp cứu do nhiễm liên cầu lợn.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V.Q. ở Nam Định, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, các vết ban trên da thành ban xuất huyết hoại tử, suy đa tạng. Được biết bệnh nhân Q. trước đó có tiền sử nghiện rượu, thường xuyên ăn tiết canh.
Khai thác từ gia đình bệnh nhân thì được biết, ngày 30 Tết gia đình có đụng lợn, ông Q. ăn tiết canh và đến ngày mồng 2 Tết xuất hiện sốt cao, tiêu chảy, trên da có các ban rải rác, sau đó được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đang được điều trị tại bệnh viện.
BS Cấp cho biết, dù đã hồi sức tích cực theo phác đồ, nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng nên gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về.
Hai trường hợp còn lại đều 37 tuổi ở Ninh Bình và Bắc Ninh lần lượt được chuyển đến bệnh viện sáng mùng 1 và mùng 2 Tết trong tình trạng hôn mê, viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Các bệnh nhân đều có tiền sử ăn tiết canh vào dịp tất niên ngày 28 và 29 Tết.
Hiện cả hai trường hợp trên đều đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, tuy nhiên thời gian điều trị chắc chắn sẽ rất lâu và chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu.
BS Cấp cho biết, thông thường người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.
Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.
Để phòng bệnh, người dân không được ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống…; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, giết mổ, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà phòng.