5 năm “bỏ quên” quyền lợi người mua BHYT
- Thứ tư - 24/08/2016 16:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để được hưởng quyền lợi tham gia BHXH 5 năm liên tục, người có thẻ phải tới cơ quan bảo hiểm để yêu cầu. Ảnh: Như Ý.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao về quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục. Có người tham gia trên 5 năm, nhưng trên thẻ BHYT lại không thể hiện điều này.
Được hưởng mà không biết
Chị Nguyễn Ngọc Giang làm cho một công ty tại Hà Nội kể, ít ngày trước chị đi khám, trong khi chờ làm thủ tục lấy thẻ BHYT xem chơi mới phát hiện thẻ có dòng chữ: Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày 01/08/2016. “Những thẻ BHYT trước đây của mình không có dòng chữ này, thấy lạ hỏi nhân viên bảo hiểm mới biết, đây là quy định mới với người có nhiều năm tham gia BHYT”, chị Giang kể.
Sau đó chị Giang về tìm thông tin trên mạng Internet mới biết, năm 2015, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có tổng số tiền đồng chi trả phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, sẽ được miễn phần tiền vượt.
“Quy định này rất ý nghĩa, đặc biệt với người phải thường xuyên đi viện. Ấy thế mà không mấy người biết dù đã thực hiện gần 2 năm rồi. Mình đã hỏi nhiều bạn bè, người thân, thậm chí cán bộ làm chế độ bảo hiểm cho cơ quan cũng không ai biết quy định này”, chị Giang nói thêm.
Thậm chí, không ít người cả chục năm tham gia BHYT, cơ quan phát thẻ đều đặn hằng năm, nhưng trên thẻ cũng không có dòng chữ: Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày...
“Tôi đã gần 20 năm làm việc liên tục chỉ 1 cơ quan, nhưng thẻ BHYT năm 2016 không có dòng chữ đã tham gia đủ 5 năm liên tục. Trong khi có người vào cơ quan làm sau tôi nhiều năm, thậm chí cấp dưới của tôi lại có. Không hiểu ra sao nữa”, anh Lê Văn Thủy (ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc.
Trong khi đó, nếu không may phải đi viện thì thủ tục để hưởng chế độ bảo hiểm rất phức tạp, chưa kể thái độ, chất lượng phục vụ với bệnh nhân BHYT cũng không bằng các bệnh nhân khác. Vì vậy, dù có BHYT cơ quan mua, nhưng anh Thủy vẫn bỏ tiền túi mua bảo hiểm sức khỏe của một công ty bảo hiểm tư nhân.
Theo Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015, người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có tổng số tiền khám chữa bệnh trong 1 năm tài chính vượt quá 6 tháng lương cơ sở (tức vượt 7,26 triệu đồng, mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016 là 1,21 triệu đồng); khám chữa bệnh đúng tuyến, sau khi cùng chi trả 7,26 triệu đồng, phần vượt hơn người bệnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ. Quy định là vậy, nhưng không phải ai cũng biết. Tới nay, BHXH Việt Nam - cơ quan quản lý Quỹ BHYT cũng chưa nắm được số liệu chi trả chế độ cho những người có đủ điều kiện như trên.
Nhiều người tham gia BHYT trên 5 năm liên tục, nhưng không phải thẻ nào cũng có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày…” Ảnh: Phạm Thanh.
“Lỗi công nghệ”
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Chính sách chi trả 100% viện phí với người tham gia BHYT từ trên 5 năm liên tục nhằm khuyến khích và tạo công bằng với người tham gia thường xuyên, lâu năm; người mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, chạy thận, tim mạch…).
Mới đây, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phát biểu: “Người thụ hưởng bảo hiểm và doanh nghiệp kêu với tôi rất nhiều về thủ tục hành chính. Dù BHXH Việt Nam có cố gắng, nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, nếu có thêm 1 hệ thống bảo hiểm nữa, chắc chắn họ không chọn hệ thống BHXH hiện nay. Điều này không phải do chính sách, mà do khâu thực hiện chưa tốt”. |
Tuy vậy, để được hưởng chính sách này, theo ông Phúc, người tham gia BHYT trước ngày 1/1/2015 phải tham gia liên tục 5 năm không gián đoạn ngày nào. Còn sau ngày 1/1/2015, thời gian tham gia phải 5 năm liền, nếu gián đoạn không quá 3 tháng.
“Khi đủ 5 năm trên thẻ BHYT sẽ có dòng chữ Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày… Khi đã có điều kiện này, trong 1 năm tài chính người tham gia BHYT khám chữa bệnh mà tổng số tiền đồng chi trả vượt con số 7,26 triệu đồng (6 tháng lương cơ sở), sẽ chỉ phải nộp số tiền đó, số tiền vượt sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ”, ông Phúc nói.
Ông Phúc thừa nhận, hiện không phải ai tham gia đủ 5 năm liên tục trên thẻ BHYT cũng có dòng chữ thể hiện đã đủ 5 năm. Đặc biệt với những người dù tham gia BHYT liên tục nhưng chuyển nhiều cơ quan, đóng tại nhiều địa phương khác nhau. Ông Phúc dẫn chứng, có người ở tỉnh đã đóng BHYT 4 năm, nhưng sau đó chuyển tới Hà Nội làm việc và đóng lại từ đầu sẽ chưa được ghi nhận trên thẻ.
Thậm chí, dù thẻ BHYT có thể hiện đã tham gia 5 năm, nhưng nằm viện ở tuyển tỉnh, sau đó chuyển lên tuyến trung ương cũng chưa thể tra cứu được tổng số tiền khám chữa bệnh họ đã đồng thanh toán là bao nhiêu. “Bất cập này do hệ thống cơ sở dữ liệu về BHYT chưa được tích hợp đồng nhất trên cả nước, giữa các tỉnh, các bệnh viện với nhau”, ông Phúc nói.
Cũng vì dữ liệu BHYT chưa được đồng bộ, có không ít người có tới 2-3 thẻ BHYT, như hộ khẩu ở quê vẫn mua BHYT và được cấp thẻ, sau đó ra thành phố đi làm lại được cơ quan, doanh nghiệp mua thẻ BHYT khác. Có trường hợp khi chuyển cơ quan không trả thẻ BHYT, sau đó tới nơi mới lại được mua thẻ khác, và tất cả thẻ BHYT đó khi đi khám chữa bệnh đều sử dụng được.
Đại diện BHXH Việt Nam khuyên, trong khi chờ đợi cơ quan bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin mới, nếu ai thấy mình đã tham gia đủ 5 năm, có thể tới cơ quan bảo hiểm (cấp quận/huyện trở lên) nơi mình đã tham gia BHYT để tra cứu, xác nhận lại và đổi thẻ để được hưởng chế độ. Với người đã, đang khám chữa bệnh tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, có số tiền đồng chi trả viện phí vượt 6 tháng lương cơ sở trong 1 năm, có thể tổng hợp hóa đơn đem tới cơ quan bảo hiểm để giải quyết nhận lại tiền đã thanh toán vượt.
“Chúng tôi đang cố gắng tích hợp dữ liệu người tham gia bảo hiểm, nhưng quả thật vẫn còn một số vấn đề, một số trường hợp bị ảnh hưởng. Nên người tham gia cũng cần chủ động để đảm bảo quyền lợi của mình. Chúng tôi đang dần hoàn thiện”, ông Phúc nói.
Về tuyên truyền để người dân biết chính sách mới, ông Phúc nói cơ quan bảo hiểm đều có làm, nhưng cũng có người chưa biết, có người biết do nghe người khác nói lại. Thậm chí, “thi thoảng cũng có cơ quan bảo hiểm địa phương làm công văn hỏi về điều này”.
Dù luật đã có hiệu lực hơn 1 năm rưỡi, nhưng phải ngày 14/7/2016, Bộ Y tế - cơ quan xây dựng và hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT, mới có hướng dẫn để giải quyết vướng mắc cho người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục. Trong khi chờ đợi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trước mắt, Bộ Y tế đồng ý để cơ sở y tế nếu xác định được số tiền đồng chi trả của người bệnh lũy kế trong 1 năm tài chính vượt 6 tháng lương cơ sở sẽ không thu thêm phần vượt quá. Trường hợp không xác định được tiền đồng chi trả lũy kế bao nhiêu, người bệnh thanh toán trước, sau đó mang hóa đơn tới cơ quan BHXH để thanh toán nhận lại số tiền đã nộp trước. |