Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông (Phần 22)

Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông (Phần 22)
Hạnh phúc vốn ở rất gần nhưng chúng ta lại hay học cách chối từ nó mà thôi.

Nhi là cô gái xinh đẹp, cá tính và rất hiếu thắng. Trong cuộc sống, cô chỉ có hai niềm đam mê lớn nhất, đó là ăn và ngủ. Nhưng rồi, cuộc sống của cô đã bắt đầu thay đổi kể từ khi đối diện với Trần Minh.

***

Một câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi với những người đã và đang trải qua những thăng trầm, rung động, đam mê, nhiệt huyết  của tình yêu.

Phần 22: Âm dương

Trần Minh mỉm cười:

- Em cùng tôi sang sông nhé!

Nhi vẫn chưa hết bất ngờ. Miệng không thốt ra được câu nào. Tinh thần có chút bấn loạn. Trần Minh sao lại ở đây? Sao lại biết Nhi ở đây? Và về đây làm gì? Anh ta có ý gì? Chết tiệt! Hay là anh ta cũng chạy trốn như mình? Hàng trăm câu hỏi cứ như đàn ong bay lòng vòng trong đầu Nhi hỗn loạn.

Hàng trăm câu hỏi cứ như đàn ong bay vòng vòng trong óc Nhi hỗn loạn (Ảnh minh họa)

Chỉ biết vài giây sau, Trần Minh nắm lấy tay Nhi kéo đi, miệng khẽ nói:

- Nhanh lên, kẻo mọi người chờ!

Nhi ngồi hàng ghế bên ngoài dựa một bên vai vào thành phà nhìn Trần Minh một hồi rồi khẽ hỏi:

- Anh đang làm gì vậy?

Trần Minh mỉm cười:

- Bắt chước em!

- Anh bắt chước giỏi thật!

- Còn học hỏi em nhiều!

- Sao biết tôi ở đây?

- Tôi bắt xe về, bến xe cách đây vài chục mét. Tự dưng tôi muốn ra đây, không ngờ gặp em.

- Tối nay anh ở đâu?

- Thì cũng bắt chước em thôi!

Nhi khẽ nhếch mép cười nguy hiểm:

- Cái này e là khó! Bình thường anh toàn ngủ gầm giường tôi, giờ đòi leo lên giường e là không làm nổi!

Vài người đi cùng chuyến phà nghe lỏm được cuộc nói chuyện nho nhỏ của đôi nam nữ liền quay mặt đi hướng khác cười. Nhưng người nông dân vốn thật thà, khi càng cố giấu mình cười thì lại càng lộ rõ mà thôi.

Sau câu trả lời của Nhi, Trần Minh tự nhủ: Chỗ đông người muốn bình yên thì tốt nhất là ngậm miệng lại! Dù cô ấy có khơi mào thì cũng đừng có tiếp. Bởi dù muốn hay không, cô ấy cũng đều biết cách khiến bạn mất mặt như thường.

Hai người sang sông, ngồi ở bờ bên kia ngắm bờ sông bên này.  

Nhi cười khẽ nói:

- Ngồi ở bờ bên kia ngắm thấy bờ bên này đẹp hơn. Ngồi ở bờ bên này ngắm, lại thấy bờ bên kia đẹp hơn.

Trần Minh lấy một viên đá nhỏ, ve trượt trên mặt nước. Cười cười bảo Nhi:

- Em hiểu ra chân lí rồi đấy!

Nhi không cãi nữa. Chỉ nhìn Trần Minh rồi nói:

- Mình về đi!

- Em còn giận ba mình nữa không?

- Không. Tôi thấy mình thật ích kỉ khi để điều đó tồn tại trong suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Giọng Trần Minh trầm lắng:

- Em biết không? Thành phố nơi tôi sinh ra là một thành phố rất xa chúng ta. Ba tôi vốn là một thủy thủ tàu viễn dương. Ông sống với biển và có lẽ sẽ chết vì biển. Biển chính là một phần cuộc sống của ông. Ông gặp mẹ tôi, một người đàn bà trong một sòng bài ở Thượng Hải. Sau khi sinh ra tôi, bà gửi tôi lại cho ông và biến mất hoàn toàn trên trái đất này.

Bà biến mất tới mức tôi cứ tưởng mình là đứa trẻ được sinh ra từ biển và ba mang tôi về nuôi. Ba tôi đi riết. Cả năm có khi về thăm tôi đôi lần. Tôi sống cùng ông bà nội ở thành phố biển. Cái thành phố mà cứ mỗi hè về lại rừng rực màu hoa phượng đỏ. Nhưng tôi chỉ thấy trong tim mình nỗi cô đơn cứ rưng rức đến nhói lòng.

Đấy là sau này tôi mới biết cách gọi tên cho cái cảm xúc ấy. Chứ khi còn nhỏ, tôi chỉ biết, mình như một đứa trẻ lạc đến nơi này. Và tôi rõ ràng không thuộc về nơi đây. Vì thế tôi không có nhiều bạn như những đứa trẻ khác. Chiều chiều, tôi thường một mình trốn ông bà ra biển. Chỉ ngồi ở đó và nhìn những con sóng nối tiếp nhau vỡ nát.

Năm tôi học cấp ba, ba tôi về nhà vào một ngày biển động và mưa lạnh. Ba tôi say, ông ngồi một mình uống rượu trong phòng. Tôi thấy ba tôi khóc. Tôi đứng lặng sau cánh cửa. Nhưng ba biết tôi ở đó. Ông nói, mẹ tôi mất rồi. Bà ấy đã ra đi mãi mãi rồi. Với ba tôi, khi đó người đàn bà ấy mới mất. Nhưng với tôi, bà ấy mất từ khi tôi mới chào đời.

Lòng tôi không đau đớn hay hẫng hụt như ba tôi tưởng. Mà có lẽ ông cũng không tưởng gì cả. Ba tôi về một tuần rồi lại đi. Thứ mà ông mang về nhiều nhất cho tôi chỉ là tiền. Tôi thấy mình là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cả người sinh ra tôi, cả ba tôi đều không cần tôi. Người cần tôi có lẽ chỉ có ông bà nội. Nhưng ông bà nội tôi cũng mất cách đây hai năm khi tôi vừa về nước.

Nhà tôi chỉ còn hai người đàn ông không khi nào nói chuyện hay chạm mặt. Tôi luôn cảm thấy mình vốn từ khi sinh ra đã là một đứa trẻ khiếm khuyết. Còn ba tôi, không biết những đêm vắng, khi đứng trên mũi tàu nhìn biển bao la trước mắt, có khi nào ông cảm thấy bản thân mình cô đơn không. Và ông có biết rằng: mình đã sinh ra một đứa con trai từ nỗi cô đơn của chính mình.

Em biết đấy, tôi vốn không có khả năng sưởi ấm cho người khác, lại càng không có khả năng an ủi người khác. Tôi chỉ biết, khi người ta cô đơn, thì trên đời này, vẫn có những người khác đang cô đơn hơn mình. Khi mình đau khổ, trên đời này vẫn có những người khác đang đau khổ hơn mình. Khi bị tổn thương thì trên đời này cũng có người đang bị tổn thương hơn mình… Nghĩ vậy để cảm thấy ít ra mình còn may mắn hạnh phúc hơn một ai đó cũng đang sống trên đời này.

Có lẽ, hạnh phúc vốn đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách tạo ra. Hạnh phúc vốn ở rất gần nhưng chúng ta lại hay học cách chối từ nó mà thôi…

Giờ đây, tôi chỉ mong, mỗi khi nhìn thấy ba, sẽ không phải là hình ảnh một người đàn ông cô đơn tới gai góc, lặng lẽ tới lạnh lùng. Tôi chỉ muốn ông là một người cha bình thường như bao người khác. Nhưng rồi nhiều khi tôi lại nghĩ: Có lẽ với ông, đó cũng là một cách để ông yêu thương tôi. Nên tôi tạm bằng lòng và không đòi hỏi nữa.

Và em biết đấy, tôi vốn không có khiếu hài hước nên càng không phải người hay đùa. Nhưng hình như, mọi thứ đã dần thay đổi từ khi gặp em!

Nhi khẽ cười, tay ném những viên sỏi nhỏ xuống dòng sông. Rồi nhìn Trần Minh:

- Đôi khi con heo cũng có giá của con heo đúng không?

Trần Minh mỉm cười:

- Hình như em nâng cao mình quá!

Nhi khẽ kéo vạt áo của Trần Minh, giọng dịu dàng:

- Mình về nhà đi! Rồi một ngày nào đó, anh nhất định phải nói với ba anh câu này: Ba, mình cùng về nhà đi ba! Có lẽ ba anh cũng chỉ đang chờ một câu ấy thôi!

Trần Minh lặng người nhìn cô gái nhỏ trước mắt mình, rồi tự nhiên, đưa tay vuốt mái tóc Nhi. Ánh hoàng hôn nhuộm cả ráng chiều lên đôi hình bóng ấy. Bên cạnh họ, những con sóng vẫn không ngừng vỗ vào bờ. Và con sông dưới chân họ bao lâu rồi vẫn thế, vẫn bên bồi bên lở, bên đục bên trong. Như cái cách mà người ta yêu nhau và làm khổ nhau đấy thôi. Nhưng đó vẫn là cách mà họ yêu một người.

Hai người lên phà trở về bờ bên kia. Trước khi Trần Minh và Nhi bước lên bờ, người lái phà già liền có lời muốn nhắn nhủ với Trần Minh:

- Này! Cậu trai! Bác bảo nhé: Đời người đàn ông, kiểu gì cũng bị đàn bà dụ lên giường của họ rồi sau đó sẽ có ngày chính họ lại đạp mình xuống gầm giường. Còn cậu, nếu đã ngủ gầm giường rồi thì chả có lý gì mà không lên giường được cả. Là cô bé ấy sai rồi!

Nhi nghe xong thì đỏ mặt không nói không rằng bước vội. Trần Minh nhìn Nhi rồi lại nhìn bác lái đò tủm tỉm cười:

- Bác! Bác thật là tuyệt đấy ạ!

***

Lê đang nằm dài trên phòng Nhi, vì vừa rồi lục lọi khắp nơi mà không tìm thấy cuốn nhật kí ghi những chuyện thâm cung bí sử của con bạn đâu. Đang ngáp ngắn ngáp dài thì có tiếng ngõ cửa, thò đầu ra thì thấy một ngã trai đẹp bước vào nhà. Lòng lại tự nhủ:

Không lẽ nằm buồn nên có người gửi trai đẹp tới chơi. Cảm giác trong người liền hưng phấn hơn nhiều. Mặt mũi cũng vì thế mà trở nên hớn hở lạ thường.

Tuấn thấy một cô gái có vẻ quen quen bước từ phòng Nhi xuống liền khẽ gật đầu chào. Lê cất tiếng:

- Anh tới tìm ai?

- Tôi tới tìm Hà Nhi. Cô ấy có nhà không?

Lê lập tức hụt hẫng: Tưởng gà đi lạc, ai ngờ…lại là cây si nhà con bạn thân. Liền thở dài: Đúng là kẻ ăn không hết người nần chẳng ra. Lê ngồi xuống ghế rồi đáp:

- Nhi không có nhà. Sao anh biết chỗ nó ở mà tới tìm.

Nãy giờ Tuấn vẫn thấy cô gái này quen quen nên cố gắng lục lọi trí nhớ của mình. Cuối cùng thì cũng nhớ ra, đây chính là cô bạn đi cùng Nhi hôm gặp ở trường và cũng là cô bạn chụp chung ảnh với Nhi trong bức ảnh kinh điển đăng trên trang web của khoa và của trường.

Tuấn quan sát Lê một hồi, bụng dạ tự dưng lại nghĩ: Không lẽ lại lọt sàng xuống nia. Con chị không được thì rước con em! Nhưng vừa đưa mắt nhìn xuống dưới thì mới phát hiện ra cô nàng mặc quần đùi cộc ngồi co chân trên ghế, đang uống nước ừng ực, xong thì lấy tay quẹt ngang mồm một cái. Liền chột dạ:

- Nhi không có nhà thì thôi vậy. Khi khác tôi đến chơi.

Tuấn vừa định quay bước đi thì Lê liền lên tiếng:

- Này, anh tới chơi lại về không thế. Có muốn tìm hiểu chút thông tin gì về con bạn tôi không?

Tuấn quả thật cũng muốn. Nhưng lòng chợt vang lên câu của các cụ: Rau nào sâu ấy! Trời đất, mà người ta chả bảo: Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn tôi sẽ nói bạn là người như thế nào đó sao? Các cụ cấm có sai, các triết gia có sai khi nào đâu. Chưa biết trả lời sao thì Lê lại tiếp lời:

- Tôi tới đây trông nhà, mà suốt từ hôm qua không được ăn miếng cơm nào vào bụng. Anh ở lại nấu cơm cho tôi ăn với. Không lẽ, anh thấy chết mà không cứu.

Thấy Tuấn lưỡng lự, Lê làm bộ ôm bụng:

- Nếu Nhi biết, anh thấy tôi chết mà không cứu, hẳn là tôi cũng không còn có thể có lời nào tốt đẹp để cứu vãn được cả. Mà bạn tôi là đứa trọng bạn hơn tình đấy!

Tuấn nghĩ thầm:

- Lần thứ hai không hẹn mà gặp, hẳn là oan nghiệt. Nhưng rồi vì cô ta là bạn thân của người phụ nữ mình thích thì cũng không khác gì là chị vợ, mẹ vợ cả. Một lời nặng hơn cả núi Thái Sơn ấy chứ. Cái điều cỏn con này ít ra làm đàn ông cũng nên tinh ý. Tuấn hỏi Lê:

- Nhà có gì ăn được không?

Lê cau có:

- Đương nhiên là không có gì ăn được nên tôi mới không ăn được chứ.

Lần thứ hai không hẹn mà gặp, hẳn là oan nghiệt (Ảnh minh họa)

Tuấn thở dài, vào mở tủ lạnh. Liền thấy trong tủ có đủ cả rau, thịt, trứng. Lắc đầu ngán ngẩm quay qua Lê:

- Vậy mà cô bảo không có gì ăn được hả?

Lê trợn mắt:

- Vậy anh cứ thế mà ăn xem có ăn được không? Không lẽ bảo tôi ăn thịt sống, rau sống với gạo sống à?

Tuấn thở dài:

- Tôi thấy ngày nay, đàn bà ngày càng có xu hướng giống đàn ông còn đàn ông ngày càng bị ép buộc giống đàn bà rồi đấy.

Lê vừa cắt móng tay vừa thản nhiên đáp:

- Thầy tôi cũng nói thế. Chắc hẳn là đúng rồi! Cho nên tôi càng ngày càng trở nên ít hứng thú với đàn ông. Vì thế mà Hà Nhi mới về quê hai hôm mà tôi đã nhớ phát điên lên. Nhưng tôi sống hơn hai mươi năm không đàn ông mà chưa hề phát điên lên phút nào.

Tuấn vừa rửa rau, vừa đáp:

- Là chưa tới lúc thôi. Ở công ty tôi, vừa rồi có chị ngấp nghé đầu ba mà chưa hề lấy chồng. Nhưng dạo này cứ hay cáu gắt, dễ nổi giận… Rồi có lúc thì lại không rằng, không nói, chán ăn, mệt mỏi, người ngợm bải hoải, đau đầu, nhức óc, mất ngủ… có dấu hiệu trầm cảm nặng. Cuối cùng mọi người khuyên chị ấy đi gặp bác sĩ. Và kết luận là: Cô ấy thiếu dương. Cô đã hiểu ra vấn đề chưa? Hai mươi năm, chưa phải là cực điểm đâu. Đến một thời điểm nhất định, cơ thể cô sẽ không thể chấp nhận việc cô ép buộc nó ăn chay được nữa. Đến khi ấy, nó bắt buộc phải được ăn thịt. Ăn thịt đó!

Lê thở dài:

- Giờ thì tôi đã hiểu vì sao mấy bà chị họ tôi sau khi lấy chồng đều trở nên hung hăng hơn. Hóa ra là vì tiếp dương quá nhiều. Còn mấy ông chồng sau khi lấy vợ đều trở nên ủy mị hơn là vị tiếp âm vượt chuẩn. Tôi thì thấy bản thân mình đang vừa vặn, tốt nhất là không nên thêm không nên bớt.

Tuấn nhếch mép cười chửi thầm: Là thấy cô dương quá nhiều thì có. Đúng là bà cô già! Ai lại đàn ông con trai tới nhà bạn mình chơi mà lôi tuốt vào trong nhà bắt nấu cơm cho ăn. Mà thế nào mình cũng đồng ý nấu cho cô ta ăn. Không lẽ mình âm quá nhiều? Chết thật!

Đang thái thịt, Tuấn chột dạ nên thái luôn vào tay mình. Tuấn cầm tay la lên oai oái. Lê thấy vậy, lẳng lặng đi lại hộp thuốc gia đình, kiếm một miếng urgo mang lại đưa cho Tuấn. Vừa đưa vừa đạp cho Tuấn một cái vào mông, miệng thở dài:

- Không hiểu là cái giống đàn ông gì nữa. Có thế mà hét lên như bị thiến không bằng.

Tuấn ngắn mặt, miệng lắp bắp:

- Cô, cô… cô vừa nói cái gì?

***

Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 10/6/2017

Không cam lòng khi cô bạn chơi bời lại cưới được “chồng ngon”

Chẳng lẽ câu nói đời con gái “may hơn khôn” và “hơn nhau ở tấm chồng” là thật?

Bấm xem >>

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây